Sợi chỉ, chất liệu
nhỏ bé. Nó là thứ mà ít người quan tâm, nằm khuất trong những gì là to lớn và đồ
sộ. Về mặt bản chất, nó có chức năng nối kết những thành phần khác nhau. Tuy
nhiên, nó cũng chịu áp lực của sự giằng co : trọng lượng, trọng lực và xu
hướng tách lìa nhau của các thành phần. Tôi muốn dùng hình ảnh này để chia sẻ một
vài suy niệm, xuất phát từ thực tại đời sống mà chúng ta nhận thấy từ nhiều
khía cạnh khác nhau của nó hôm nay.
1 Hình ảnh sợi chỉ mong manh này gợi nên cho chúng ta tính mong manh dễ vỡ.
Sự dễ vỡ này được tìm thấy một cách rõ nét trong các mối tương quan con người
và xã hội : mối tương quan liên vị giữa từng cá nhân, gia đình, cộng đồng
và toàn thể xã hội. Quả thật, mối tương quan là sợi chỉ. Sợi chỉ có khả năng
liên kết. Nhưng, nó cũng có thể dễ dàng bị rạn đứt, vì tính đa dạng và khác biệt
tạo nên sự xung đột. Cái khác biệt mang tính tự nhiên, nhưng cái làm cho sự
khác biệt trở nên kết hợp hài hòa mang tính sáng tạo. Tính mong manh không hẳn thuộc
về bản chất, mà còn vì thế giới nơi mà sự sáng tạo bị bóp nghẹt.
Vào
thế kỷ XVIII, Jean-Jacques Rousseau, triết gia người Pháp, đưa ra ý tưởng
« Hợp đồng xã hội », được thiết lập trên nền tảng căn bản là bình quyền
và tự do theo ý muốn của toàn thể nhân dân, nhằm đảm bảo sư vận hành xã hội
trong sự công bằng và qua đó từng cá nhân tìm lại được yếu tính tốt thuộc bản
chất tự nhiên. Thiết tưởng, tư tưởng triết học của Jean-Jacques Rousseau mang
tính thời sự, nhưng những xung đột xã hội hiện tại cho thấy sự bình quyền và tự
do không mấy được đảm bảo. Sợi chỉ của « hợp đồng xã hội » mà Jean-Jacques
Rousseau sáng tạo cũng rất mong manh. « Hợp đồng xã hội » này dễ bị
vi phạm.
Ki-tô
giáo ngay từ đầu đề nghị con đường sống cộng đoàn hợp nhất bằng yếu tố siêu
nhiên và tự nhiên như mô tả của sách Công vụ Tông đồ : « Các Ki-tô hữu
chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện
không ngừng. […]. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của
chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu.
[…]. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh
tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. » (CV 2, 42-46). Đoạn Kinh
Thánh này hàm ý tính siêu nhiên – hướng về Thiên Chúa, đảm bảo trật tự tự nhiên,
nhưng lại không loại trừ sự tự do. Sợi chỉ của tinh thần siêu nhiên mỏng manh
nơi sự tự do con người.
2 Sợi chỉ mong manh nhưng hàm chứa sức mạnh nội tại. Sự tự do làm cho sự
khác biệt lớn dần và có nguy cơ bất khả dung hòa. Các hiện tượng và khuynh hướng
xã hội trong thế giới hôm nay bộc lộ vấn đề này cách rõ nét. Sợi chỉ mong manh,
nhưng nó đảm bảo cho con người trở nên hòa hợp. Sợi chỉ này chính là những giá
trị nhân văn, tinh thần, văn hóa và tôn giáo. Chúng là chất xúc tác cho sự phát
triển, cũng như chất keo hàn gắn sự tổn thương nơi mối tương quan. Là chất xúc
tác, vì chúng giúp cho sự phát triển tìm lại được ý nghĩa của nó ; là chất
keo, vì chúng dẻo dai và khả năng tồn tại lâu bền.
Thế giới hôm nay chú
trọng tới thành quả phát minh to lớn. Người ta cũng dễ bị thu hút theo trào lưu
bởi cái hùng vĩ dưới đôi mắt trần. Con người cũng có nguy cơ rơi vào khuynh hướng tạo
nên sự khác biệt không thể dung hòa vì chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích riêng tư.
Sợi chỉ nhỏ bé, mong manh và ẩn mình. Nó là cốt cách, sức mạnh tiềm ẩn, nhưng dễ
bị xóa nhòa trong thế giới hôm nay.
Pet. Tran Van Khue, aa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét