Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

XIN HÃY NÓI LỜI YÊU THƯƠNG

Có khi nào bạn nghĩ rằng một ngày nào đó, người thân thương sẽ không còn sống bên cạnh bạn nữa ? Bạn và tôi, chúng ta không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai đối với người thân của mình. Chúng ta cũng không biết điều gì sẽ xảy ra cho chính bản thân dù trong một giờ sắp tới.

Chị bạn tôi mới về thăm gia đình và gặp lại người mẹ yêu quý của chị. Chị muốn tâm sự với mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong suốt thời gian xa cách gia đình. Cuối cùng vì một lý do nào đó chị không thể nói được. Một tuần sau, chị nhận được tin mẹ chị qua đời cách đột ngột. Chị dường như không còn tin vào tai mình vừa nghe, bởi mẹ chị vẫn còn trẻ và không có biểu hiện nào của bệnh tật cả. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người mẹ ấy không còn sống trên cõi đời này nữa. Có rất nhiều, rất nhiều trường hợp như thế. Người mà ta mới thấy đó, ngày nào ở bên ta đó nhưng nay không còn nữa.

Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng người thân sẽ sống bên chúng ta mãi. Chúng ta quên rằng chỉ qua một đêm thôi, ta sẽ có thể không còn gặp người ấy nữa. Ta muốn nói lời xin lỗi, thể hiện lòng biết ơn hay bày tỏ tình thương đối với họ, nhưng đã trễ rồi. Họ không còn có thể lắng nghe được nữa dù chỉ một lời mà thôi.

Nhìn lại chính mình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc với những gì tôi lãnh nhận từ tình thương, sự tha thứ và lòng khoan dung của người sống bên tôi. Thật sự mà nói tôi chưa thực tập tốt hay đúng hơn tôi chưa sống hoàn hảo. Nhưng tự đáy lòng, tôi luôn nói với chính mình : “ Hãy yêu thương, tha thứ và khoan dung khi còn có thể, bởi tôi không biết được tương lai đang tới. Có thể chỉ một phút nữa thôi thì điều này sẽ trở thành không thể”.

Tôi nghĩ rằng cuộc sống ở trong tất cả mọi sự, từ điều to lớn cho tới điều đơn giản, thậm chí là ở điều mà chúng ta không hề quan tâm đến. Cuộc sống luôn “nói chuyện” với chúng ta thông qua điều giản dị và không ngờ đến nhất. Đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của bạn, hãy quý trọng nó !

E. Trúc Giang, spc




Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

THIÊN CHÚA ẨN MÌNH

Qua chiều dài lịch sử biết bao sự kiện và biến cố để lại trong ký ức khó quên của nhân loại. Nhiều chấm đen lịch sử khó bị tẩy rửa và viết thương bi ai không thể được chữa lành. Chúng ta mang nó nơi mình như bài học kinh nghiệm xương máu, cho dù vẫn chưa bao giờ biết cách làm tốt hơn cho ngày mai tươi đẹp, con người sống trong hòa bình và mọi người được vui hưởng niềm vui trọn vẹn sống làm người.

Cũng không chỉ với thảm kịch mang mang tầm vóc thế giới, chúng ta nhiều lúc choáng váng vì cái bị lãng quên. Cái bị lãng quên tầm thường và thường ngày. Nó tầm thường đến mức không được mấy ai quan tâm. Nó tầm thường vì không đủ sức gây tiếng vang và bị tan biến trong mối bận tâm khác của con người. Hình ảnh em bé bơ vơ không người nương tựa, cụ già neo đơn mắt lệ nhòa nơi xa vắng, dân lành lam lũ không tìm đủ ngày hai bữa cơm no nơi phố thị xa hoa giàu có…, tất cả chỉ tầm thường.

Chúng ta phẫn nộ cho cái thói tham lam giàu có và quyền lực đến mức áp bước người khác. Vang vọng đâu đó câu hỏi của con người : “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi : này Thiên Chúa ngươi đâu ?” (Thánh Vịnh 45, 4).

Thiên Chúa ẩn mình, Thiên Chúa vẫn thinh lặng như lời của ngôn sứ I-sa-i-a : “Lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45, 15).  Kinh nghiệm về Thiên Chúa vượt khỏi tầm hiểu biết con người ! Quả thật, ngoại trừ trường hợp của Gia-cóp diện đối diện với Thiên Chúa : “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng” (St 32, 31), truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước cho ta biết con người không nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện bao giờ, nhưng họa may chỉ nhìn thấy Ngài từ phía sau. Sách Xuất hành tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Mô-sê trên núi như sau : “Ông Mô-sê nói : xin Ngài thương cho con được nhìn thấy vinh quang của Ngài”. […]. Người phán : “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Đức Chúa còn phán : “Đây là chỗ gần Ta ; ngươi sẽ đứng trên tảng đá. Khi vinh quang Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy”” (Xh 33, 18-23). Tuy nhiên, I-sa-i-a không chỉ nói về Thiên Chúa ẩn mình qua việc không biểu lộ cho con người thấy “tôn nhan” Ngài, hay như thể Ngài ở chốn hoang vu : “Khi Ta phán, Ta đâu có ẩn mình ở nơi nào trong vùng đất tối tăm. Ta không bảo giống nòi Gia-cóp : Hãy tìm Ta trong cảnh hoang vu” (Is 45, 19), nhưng chính là Ngài không ở trong bất cứ hình tượng nào mà con người phác họa nên. Đó là “kẻ làm ra ngẫu tượng” (45,16), “người kiệu tượng gỗ, khấn vái thứ thần chẳng cứu được ai” (45, 20). Thiên Chúa mà con người tưởng vọng có thể là Thiên Chúa của sở thích, Thiên Chúa của nhu cầu, Thiên Chúa của cảm tính, Thiên Chúa của quyền lực, Thiên Chúa của tham vọng, Thiên Chúa của sự toan tính con người. Nói cho cùng, trong ý tưởng tượng con người Thiên Chúa hoàn toàn vắng lặng.

Thiên Chúa ẩn mình ngay trong chính công trình tạo dựng của Ngài khi đặt con người vào trung tâm vũ trụ và trao quyền cho con người trông coi nó với sự tự do. Ngài ẩn mình trong sự thinh lặng của Đức Giê-su. Sự ẩn mình tột độ của Thiên Chúa nơi cái chết bi thảm của Đức Giê-su trên đồi Gôn-gô-ta vào ngày thứ sáu trước lễ Vượt qua của người Do-thái. Nơi đó một lần nữa con người chất vấn về Ngài : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa” (Lc 23, 39). Nhưng, vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ qua sự ẩn mình của Ngài.

Trần Văn Khuê


Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

ĐỨC GIÊSU VÀ SỰ THINH LẶNG

Người ta thường nói “thinh lặng là vàng” hay “thinh lặng là nghệ thuật của đối thoại”. Thật vậy, thinh lặng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Đối với Đức Giêsu, sự thinh lặng còn mang nhiều ý nghĩa cao siêu khác mà Thánh Kinh đã ghi lại cho chúng ta.

Thông thường, con người sau giờ lao động vất vả, náo nhiệt hay tìm kiếm giây phút thanh vắng để nghỉ ngơi cho lại sức, nhằm lấy lại thế quân bình cho cơ thể và tâm trí. Trong khi nghỉ ngơi người ta không thích sự ồn ào, náo động của người khác.

Đức Giêsu nhà tâm lý đại tài. Ngài rất am hiểu về ý nghĩa của sự thinh lặng. Khi các môn đệ đã mệt mỏi sau cuộc hành trình truyền bá Tin Mừng và hành nghề trừ quỉ chữa bệnh, Ngài bảo các ông : “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31).

Mặt khác, Đức Giêsu nổi tiếng với tài năng như thuyết giáo hay, chữa bệnh giỏi, trừ quỉ tài phép, đặc biệt là lòng nhân ái đã khiến cho tiếng tăm lan rộng và hàng ngàn người kéo đến với Ngài. Thế nhưng, không như người biệt phái kiêu căng, tự mãn, trái lại Ngài lánh mặt đi ra nơi thanh vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng ; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lánh vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,15-16).

Đối với Đức Giêsu, sự thinh lặng cầu nguyện còn là phương thế để gặp gỡ và thưa chuyện với Chúa Cha trong mọi lúc bất kể thời gian và Người coi như là bổn phận: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”(Mc 1,35). Đồng thời, sau khi đã nuôi sống hàng ngàn người ăn, Người giải tán họ và lên núi cầu nguyện (x. Mt 14,23) để cảm tạ Chúa Cha về hồng ân mà Cha đã ban. Hồng ân đã giúp cho Ngài nuôi sống hàng ngàn người no thỏa.

Ngoài việc gặp gỡ Chúa Cha, sự thinh lặng của Đức Giêsu còn biểu lộ lòng khiêm nhường. Ở đời, người ta vốn thích được tiếng hơn được miếng, họ vốn thích người khác khen là giỏi, là tài ba... nhưng Đức Giêsu hoàn toàn khác. Ngài chữa bệnh rất giỏi không lấy tiền, nhưng lạ là Ngài đều cấm họ phải im tiếng hay không tiết lộ : “Coi chừng đừng nói với ai” (Mt 8,4; Mc 1,44; Lc 8,56). Chúa Giêsu luôn tự coi mình là tôi trung của Chúa Cha. Chính vì thế mà Ngài muốn dân chúng giữ thinh lặng để khỏi hiểu sai về vai trò của Ngài. Nhưng dù cho Ngài có cấm, họ vẫn không thể không cất lời ca ngợi Chúa. Sau cùng, hình ảnh Người tôi trung của Giavê Thiên Chúa bị hành hạ, chịu nguyền rủa nhưng vẫn im lặng tuyệt đối, biểu hiện rõ nét qua hình ảnh Đức Kitô khi đối diện với hội đồng và tổng trấn Philatô : “Người làm thinh chẳng hé môi” (Mc 15,5).

Đỉnh cao của thinh lặng là sự tha thứ. Lời cầu xin tha thiết này của Đức Giêsu là lời tha thứ bao la, vô bờ bến : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Con Một Thiên Chúa uy linh tối cao lại để cho loài người thấp hèn tội lỗi hành hạ, đánh đập, chửi rủa. Ngài vui lòng cam chịu, không hề thốt ra một tiếng nào. Qua đó, ta thấy sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa. Đằng sau sự thinh lặng đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa tuôn chảy trên khắp mặt đất này.

Tóm lại, qua những ý tưởng trên phần nào làm nổi bật sự thinh lặng tuyệt vời của Chúa Giêsu. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cũng nên coi thinh lặng như kim chỉ nam cho đời sống của mình. Chúng ta tìm kiếm sự thinh lặng không phải là cái gì bên ngoài, không có tiếng động, nhưng chính là từ nơi sâu thẳm của con tim, nơi hiện ra và thu hồi mọi ước vọng sâu xa nhất có thể giúp ta sống tỉnh lặng trong tương giao với Thiên Chúa.


E. Trúc Giang, SPC