Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

TIN VÀ NHÌN THẤY, đức tin từ cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô


 Từ lúc lên ngôi Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô từng ngày đang thu phục trái tim nhiều người. Họ không chỉ là chiên trong đàn : “Chiên ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo ta” (Ga 10,27), nhưng đó còn là người thuộc mọi tầng lớp, địa vị và vị thế xã hội khác nhau. Sức cuốn hút nơi con người Phan-xi-cô, theo đánh giá của nhiều người, là sự thân thiện, cởi mở, gần gũi. Gương mặt khả ái toát lên tâm hồn của người mục tử nhân hiền.

Tuy nhiên, mạch suối tuôn trào nguồn sống không ở nơi phong thái tự nhiên, nhưng từ tâm tình của người môn đệ Chúa Giê-su sống xác tín vào tình yêu như thánh Phao-lô : “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5,14), và “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Con đường tình yêu qua ánh sáng đức tin : “Nhờ ánh sáng của Ngài chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Từ đó, trong cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nền tảng đức tin là mối tương quan nội tại giữa “tin” và “nhìn thấy” : “Nào Thầy chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa sao ?” (Ga 11,40), Chúa Giê-su nói với cô Ma-ri-a sau khi làm cho La-da-rô sống lại. Cái nhìn này được Đức Giáo Hoàng khai triển trong Thông điệp “Ánh sáng đức tin” (thông điệp được viết chung cùng với Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, 6/2013) cũng như trong Tông huấn “Niềm vui Phúc âm” (11/2013).

Ánh sáng đức tin không phải là thứ “ánh sáng ảo giác” làm cho con người mộng mị, ngây ngô và mù quáng. Nó cũng không phải là “sự tự an ủi” theo cách “hãy vui sướng hồn ta ơi” mà triết gia người Đức, Nietzsche, phê bình (x. Ánh sáng đức tin, s. 2&3). Nhưng, “đức tin được sinh ra từ sự gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi và biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Tình yêu đó đi bước trước và trở thành đá tảng vững chắc để chúng ta có thể xây dựng đời sống” (x. Ánh sáng đức tin, s. 4). Lý giải đức tin là từ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống và qua ánh sáng đức tin chúng ta nhìn thấy tình yêu của Ngài, như thánh Gio-an viết : “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã tận mắt thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1).

Tin và nhìn thấy được Kinh Thánh Cựu Ước mô tả qua đức tin của Áp-ra-ham. Ông nghe tiếng Chúa và đáp lại lời mời gọi, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy dung mạo của Ngài. Tuy nhiên, nhờ tin vào lời hứa của Thiên Chúa mà ông được tận mắt thấy hậu duệ mình. Cũng vậy, đức tin của dân Do-thái cũng là đức tin nhìn thấy. Họ đã nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt với biến cố xuất hành (x. Ánh sáng đức tin, s. 12). Bước sang thời kỳ Tân Ước, lắng nghe và thị giác là hai yếu tố nền tảng của đức tin Ki-tô giáo : “Chân lý mà đức tin mở ra cho chúng ta là chân lý được đặt trọng tâm nơi sự gặp gỡ Đức Ki-tô, chiêm ngắm đời sống của Ngài, nhận ra sự hiện diện của Ngài. Trong ý nghĩa này, thánh Tô-ma A-qui-nô nói về oculata fides của các Tông đồ - đức tin nhìn thấy ! – thị giác thể lý về Đấng phục sinh. Họ nhìn thấy Đức Giê-su phục sinh với đôi mắt và họ đã tin, có nghĩa là họ đã có thể đi vào chiều sâu của những gì họ nhìn thấy để tuyên xưng Con Thiên Chúa, ngự bên hữu Chúa Cha (x. Ánh sáng đức tin, s. 30). Thánh Gio-an nói nhiều về mối tương quan giữa “tin” và “nhìn thấy” này. Chính tác giả cuốn Tin Mừng thứ 4 cũng đã xác nhận điều này qua sự kiện ngôi mộ trống : “Ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,1-10). Mặt khác, “Đức tin không chỉ hướng nhìn về Đức Giê-su, mà còn có cái nhìn từ cách nhìn của Đức Giê-su, với đôi mắt của Ngài : nó là biểu đạt cách nhìn của Đức Giê-su” (x. Ánh sáng đức tin, s.18).

Như vậy, tin và nhìn thấy có tầm quan trong trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu. Tin và nhìn thấy là ánh sáng cho họ không chỉ nhìn thấy Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời và chiêm ngắm đời sống của Ngài, mà còn nhìn thấy Ngài qua gương mặt người anh em. Đôi mắt lắng nghe giúp họ có tầm nhìn rộng lớn bao quát toàn bộ chương trình của Thiên Chúa từ khởi đầu công trình tạo dựng (x. Ánh sáng đức tin, s. 29). Tin và nhìn thấy còn mang chiều kích cộng đoàn trong việc cử hành phụng vụ và mối tương quan con người. Trong Tông huấn Niềm vui Phúc âm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã dành nhiều trang để  nói về phụng vụ là “nơi Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài” cũng như gương mặt của Ngài được biểu lộ qua mối tương quan cộng đoàn. Ánh sáng đức tin cho họ nhìn thấy Thiên Chúa.


Trần Văn Khuê

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN TỪ BÁO CHÍ



Thông tin đại chúng là một trong những thành tố làm phát triển xã hội. Đặc biệt công nghệ thông tin kỹ thuật số đã làm cuộc cách mạng truyền thông trong kỷ nguyên chúng ta. Ngoài khía cạnh tiêu cực như mất khả năng kiểm soát và kiểm chứng nguồn thông tin, chúng ta có thể nói thông tin đại chúng hôm nay mau lẹ và hiệu quả. Chúng góp phần thăng tiến con người trong việc cổ võ giá trị nhân bản và lên án những gì chống lại con người cũng như giúp tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Chúng thực sự đảm nhận sứ mệnh lớn lao là giáo dục như quan điểm của Emmanuel Kant.

Tuy nhiên, mặt khác chúng cũng bị sử dụng như công cụ chính trị. Lúc đó chúng không còn là chính nó, nhưng trở thành nô lệ của thứ chủ nghĩa không tưởng cực đoan mù quáng, thiếu cởi mở và khát khao tìm kiếm chân – thiện – mỹ. Dung mạo của nó có thể bị nhận diện khi chúng ta tham khảo và đối chiếu. Các ví dụ sau đây chưa đủ để kết luận điều được nêu ra trên đây, nhưng cho phép chúng ta đặt câu hỏi về tính giáo dục mà mục tiêu của nó là nhắm tới nền nhân bản và đạo đức trong từng nội dung truyền thông.

Các trích đoạn thông tin trình bày dưới đây về những sự kiện gần đây từ vào đầu tháng 12 (2013) tới nay. Cột bên trái trích đăng báo chí Việt Nam và cột bên phải trích đăng báo chí Pháp.


Trung Quốc giám sát oanh toạc cơ Mỹ trên biển Hoa Đông

"Quân đội Trung Quốc giám sát toàn bộ quá trình, kịp thời nhận biết và phán đoán đó là máy bay của Mỹ. Trung Quốc có khả năng thực hiện quyền kiểm soát tại vùng không phận này", AFP dẫn lời Đại tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
                    


Đọ sức trên Biển Hoa Đông : Trung Quốc bất lực trước đòn thị uy của Mỹ
« Quân đội Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình bay (của hai chiếc B-52), đã thực hiện trong một thời hạn hợp lý việc nhận dạng và xác định rõ đó là loại máy bay Mỹ nào ». Trên đây là nội dung thông cáo vào hôm nay, 27/11/2013, của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan đến sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã đột nhập mà không hề báo trước vào vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa thành lập bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Phản ứng này được coi là một lời thừa nhận sự bất lực của Bắc Kinh trong việc buộc nước khác công nhận hành vi đơn phương mở rộng khu vực vùng gọi là « nhận dạng và phòng không » của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên một vùng cho đến nay vẫn được coi là không phận quốc tế.

Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 vừa công bố kết quả khảo sát, theo đó, học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về Toán trên tổng số 65 nước tham gia. Vị trí này cao hơn nước Mỹ và Vương quốc Anh. 

Giáo dục, làm sao nước Pháp có thể phục hồi

Kết quả khảo sát PISA cho thấy học sinh Pháp thụt lùi về khả năng toán học và hơn bao giờ hết vô địch về sự mất cân bằng.

Vincent Peillon, Bộ trưởng giáo dục, nhận định « kết quả này là không thể chấp nhận được ». Về phần mình, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đánh giá đó là “cú điện gật”. Hệ thống giáo dục của chúng ta có thể vượt dốc ? Các chuyên gia và giáo viên đề xuất đường hướng nghiên cứu.


Khảo sát PISA : “Không giúp giảm thiểu, hệ thống học đường chúng ta làm gia tăng chênh lệch trình độ”

Pháp vừa nhận được kết quả rất tồi từ PISA, được tổ chức bởi OCDE. Ấn bản 2012, vừa mới được công bố vào ngày 03 tháng 12, xác nhận tính chất chắc chắn của khảo sát trước đây : tính mất cân đối của hệ thống học đường chúng ta. Đó là hệ thống đào sâu sự khác biệt giữa “học sinh tốt” và “học sinh xấu”. Nó giúp con em công nhân viên chức và giáo viên thành công, nhưng lại không phải cho những học sinh xuất thân từ giới trung lưu và lao động.


Việt Nam tăng 7 bậc trong xếp hạng chống tham nhũng

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) hôm nay công bố bảng xếp hạng chống tham nhũng toàn cầu, trong đó Việt Nam đứng thứ 116, tăng 7 bậc so với năm ngoái.


Bảng xếp hạng về tham nhũng : Việt Nam đứng thứ 116/177

Trong năm 2013, Việt Nam giành được 31 điểm. Với số này điểm này đã đưa Việt Nam vào vị trí thứ 116. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng không nhận được thứ hạng cao. Lào được 26 điểm, xếp thứ 140. Campuchia được 20 điểm, xếp ở vị trí 160. Thái Lan được 35 điểm, xếp thứ 102. Trung Quốc được 40 điểm, đứng ở vị trí 80.

Báo cáo cũng cho biết, tham nhũng là vấn đề rất phổ biến trên thế giới. Có tới 50% trong số các nước được xếp hạng có điểm số từ 50 trở xuống. Ông Huguette Labelle, Chủ tịch TI nhận định, báo cáo năm nay cho thấy tất cả các quốc gia vẫn đối mặt với mối đe dọa về tham nhũng ở mọi cấp của chính phủ, từ hoạt động cấp phép ở địa phương cho tới thực thi của pháp luật.


Việt Nam vẫn bị xếp vào diện các nước "dưới trung bình" vì tham nhũng

 

Vào hôm nay, 03/12/2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International – một định chế chống tham nhũng rất có uy tín - đã công bố bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013 của mình. Trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được đánh giá, tình trạng Việt Nam vẫn bị xem là kém cỏi, bị xếp thứ 116.



Bạn nghĩ gì về khác biệt trong cách đặt vấn đề và trình bày trên đây ? Chúng ta phải thừa nhận khó đặt cách so sánh thích hợp giữa nước Pháp và Việt Nam chúng ta. Bất cứ sự so sánh nào cũng sẽ khập khiễng ở nhiều cấp độ : văn hóa, truyền thống, giáo dục, sự phát triển và vị thế trên thế giới, ngay cả khi Pháp đang gặp phải nhiều vấn đề xã hội như hôm nay. Báo chí Pháp rất khắt khe với Chính phủ trong chính sách phát triển đất nước. Sự khắt khe này hoàn toàn không mang tính “thù nghịch” và cũng không bị kết tội là “chống phá Nhà nước”. Nó giúp nước Pháp nhìn thấy rõ hơn con đường phía trước. Nói tóm lại, bất cứ sự tự biện chủ quan nào cũng sẽ là lực cản của sự phát triển.

Trần Văn Khuê