Trong lời huấn dụ các môn đệ về chọn lựa đưa tới sự từ bỏ, Đức Giêsu nói với họ bằng hình ảnh gợi nghĩa : “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ hoàn thành không ? […] Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?” (x. Lc 14, 28-33). Lời dạy khôn ngoan này của Đức Giêsu cũng là kinh nghiệm con người qua mọi thời. Theo lẽ tự nhiên, ai không tính toán đường đi nước bước ? Ai không tính thiệt thua ? Và, ai lại không suy tưởng vận mệnh thời cơ ? Con người lý trí cũng là con người khôn ngoan biết “tính toán”. Sự lường trước, như Đức Giêsu nói, giúp người ta đạt tới “thành công”.
Tuy
nhiên, có điều đặc biệt nơi hành động của Đức Giêsu lại được các tác giả Phúc
Âm ghi nhận : Con người hình như không biết tính toán và chọn lựa con đường
nguy hiểm. Việc nhập thể của Thiên Chúa đã là cuộc mạo hiểm của Ngài nơi đời sống
con người. Đó không phải vì sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, điều thiện và
điều ác, nhưng là cuộc phiêu lưu của Thiên Chúa với con người tự do. Đấng là Chủ
không hề nắm chắc sự quy phục của con người thụ tạo. Từ quyền bính và toàn năng
Thiên Chúa tự đặt mình nơi thái độ của người mời gọi, đồng hành và chờ đợi. Giấc
mơ tạo dựng này được nhập thể nơi đường đi nước bước của Đức Giêsu nhập thế.
Cả
ba tác giả Phúc Âm nhất lãm ghi lại hành trình của Đức Giêsu qua miền đất của
người Ga-đa-ra và Ghê-ra-xa, chữa lành cho người bị quỷ ám (x. Mt 8, 28-31 ; Mc
5, 1-20 ; Lc 8, 26-39). Thánh Mát-thêu đặc biệt thêm chi tiết khung cảnh và
tính chất nguy hiểm trong trình thuật của mình : “người bị quỷ ám từ trong đám
mồ mả”, “rất dữ tợn” và “không ai dám qua lại lối ấy”. Nếu đó là con đường nguy
hiểm cả về địa hình và con nguời, tại sao Đức Giêsu lại muốn đi vào miền đất ấy
? Quả thật, đây mới chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quyết định của Đức Giêsu
chọn đi con đường nguy hiểm. Việc để cho “người thu thuế” tiếp rước mình về nhà
và dùng bữa với “người tội lỗi” (x. Mt 9, 9-13) cũng như để cho “người phụ nữ tội
lỗi” lau chân và xức dầu thơm lên mình (x. Lc 7, 36-50) quả là quyết định vượt
lên trên mọi định kiến tôn giáo và xã hội khắt khe và chỉ có Đức Giêsu mới có
thể đi con đường nguy hiểm này. Người Pharisiêu không bỏ qua cơ hội để chất vấn
các môn đệ về Đức Giêsu : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế,
và quân tội lỗi như vậy ?”, và phê phán trong thâm tâm : “Nếu quả thật ông này
là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người
nào : một người tội lỗi”. Cuối cùng, Đức Giêsu đi hết chặng đường nguy hiểm lên
Giêrusalem. Đó là đoạn trường của cuộc vượt qua mà môn để ngăn cản Người : “Người
nói với các môn đệ : "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê ! " Các
môn đệ nói : "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy
lại còn đến đó sao ? " (Ga 11, 7-8).
Phải
chăng từ hành động gây ngạc nhiên này của Thiên Chúa mà thánh Phaolô rao giảng
cho dân thành Côrintô : “Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế
gian ra điên rồ đó sao ? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận
biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên
Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. […].
Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô
Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ
Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc
anh em” (x. 1Cr 1, 17-31). Để đến với con người Thiên Chúa đi con đường của con
người. Xuyên suốt lịch sử Kinh Thánh chúng ta nhận thấy hình ảnh Thiên Chúa
không ngừng ngỏ lời với con người và luôn đi bước trước để đưa con người về nguồn
hạnh phúc. Sau này thánh Âugustinô diễn tả về Thiên Chúa nhập thể nơi đời sống
con người bằng hình ảnh : để cảm nhận con người Thiên Chúa hít thở bằng hơi thở
con người và yêu thương con người bằng trái tim nhân loại.
Con
đường hôm qua cũng như hôm nay, nơi đó có vinh quang và gian khổ đắng cay, có
niềm vui và buồn sầu thất vọng, có phấn khởi và nhọc nhằn mệt mỏi, có ánh sáng
và bóng tối, có phẳng lặng và giông tố, có chặng đường bằng phẳng và gập ghềnh. Con đường
nguy hiểm. Tuy nhiên, trong mọi sự Thiên Chúa định liệu cho chúng ta bằng tất cả
sự khôn ngoan và tình yêu.
Trần Văn Khuê