Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

HẠT GIỐNG ĐỨC TIN


Khi các Tông đồ xin Chúa Giêsu tăng thêm ơn đức tin : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”, Chúa trả lời họ : “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (x. Lc 17,5-6). Hình ảnh trong cuộc đối thoại này gợi nhớ cho ta câu chuyện dụ ngôn khác : “Dụ ngôn hạt cải”, mà Chúa Giêsu dùng để nói về Nước Trời. Cả ba cuốn Tin Mừng Nhất lãm trình thuật lời của Chúa Giêsu như sau : “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được” (x. Lc 13,18-19 ; Mt 13,31-32 ; Mc 4,30-32).

Đức tin được trình bày trong giáo lý và thần học Công giáo dựa trên Lời Chúa là ơn siêu nhiên mà Thiên Chúa ban để con người có thể nhận biết Ngài. Nói cách khác, con người biết Thiên Chúa qua mạc khải của Ngài – sự tỏ mình ra của Thiên Chúa cho con người, như lời của Thánh vịnh : “Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 26,10). Ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi mọi người qua Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô (Ga 1,9). Hay còn nữa, Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Chính Thiên Chúa lôi cuốn con người tìm về với Ngài, vì Ngài là cội nguồn của sự thánh thiện và mọi điều thiện hảo.

Mặt khác, đức tin mang cho con người hiệu năng là sự biến đổi. Tính chất biến đổi là làm cho đời sống con người tăng trưởng, như hạt giống được gieo vào lòng đất và sinh hoa kết trái. Đức tin là hạt giống mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn con người. Nhờ hạt giống đức tin này đời sống con người được biến đổi, để rồi con người đức tin sống hoàn toàn khác trong Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho tín hữu thành Thêxalônica : “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1Tx 4,13). Niềm hy vọng đó chính là tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô là Đấng mà Chúa Cha sai đến với nhân loại.

Hôm nay chúng ta nói tới khủng khoảng niềm tin. Niềm tin này trước hết là tin vào Thiên Chúa. Nhiều người không còn tin vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng và an bài mọi sự trong trời đất cũng như là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo và tình yêu. Khuynh hướng này kéo theo khủng khoảng niềm tin con người. Con người đánh mất ý tưởng sống chung và khả năng cùng nhau xây dựng thế giới quy hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Đó cũng là lý do mà Công đồng Vaticanô II đưa ra nhận định sâu sắc về mâu thuẫn của con người hôm nay : “Khi tìm cách đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại cảm thấy hoang mang hơn về chính mình. Khi dò dẫm tìm hiểu sâu rộng hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 4).

Hạt giống đức tin là cốt lõi của đời sống con người. Dù con người là ai đi nữa thì đức tin là ân sủng Thiên Chúa làm cho đời sống con người trở nên “phong phú về mọi phương diện” (x. 1Cr 1,5). Nhờ đức tin con người sống hy vọng, khả năng đối diện với thử thách, biết sống quảng đại, sẳn sàng hòa giải. Cũng vậy, nhờ đức tin mà con người dám chắc về sự sống chiến thắng sự chết. Hạt giống đức tin đưa con người tới chân trời tương lai, nơi đó không phải là thế giới ảo vọng nhưng là sự viên mãn của đời sống. 


Trần Văn Khuê 

1 nhận xét: