Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

KINH NGHIỆM THỜI GIAN, KINH NGHIỆM VỀ SỰ HIỆN HỮU


Sự vận hành thời gian được rút gọn cách dễ hiểu hơn theo nguyên lý vật lý. Cách tính thời gian không chỉ chiếu theo sự chuyển vần thiên nhiên : Xuân – Hạ – Thu – Đông, nhưng còn thuộc phạm trù quy ước mang tính khoa học. Tuy nhiên, thời gian còn là khái niệm triết học rộng lớn bao trùm kinh nghiệm hiện sinh. Thời gian vật lý, nhưng còn là tâm lý và tâm linh. Hơn nữa, nó còn được soi chiếu dưới ánh sáng niềm tin tôn giáo : khởi nguyên và cánh chung ; khởi đầu và kết thúc ; bất biến và vô cùng. Cuộc sống con người là sự trải nghiệm về thời gian. Kinh nghiệm con người về thời gian vừa là hữu hạn và vô hạn.

Kinh nghiệm thời gian như kinh nghiệm về sự hữu hạn

Theo dòng thời gian mọi sự trở nên phôi phai và theo dòng thời gian mọi vật trở nên hao mòn. Đó là kinh nghiệm thuần túy của con người về thời gian. Với thời gian hình như tất cả đi về hồi kết thúc và lùi vào dĩ vãng. Không còn tuổi thơ hồn nhiên tung cánh thiên thần, không còn tuổi trẻ tràn đầy sức sống, không còn cái tuổi của sự nghiệp công danh đầy tham vọng. Tất cả chỉ còn là hoài niệm. Niềm đam mê cuộc sống nhiều lúc cũng cạn dần và mối tương quan con người cũng mai một.

Người ta chạy đua với thời gian và chiến đấu với nó. Cuối cuộc đua con người mệt mỏi. Lúc dừng lại trong giây lát ta thấy bất lực, tất cả đều vô nghĩa, cảm thấy hối tiếc. Kiếp con người không thể vượt khỏi cái hữu hạn trong thời gian. Câu hỏi cuối cùng về con người cũng là câu hỏi về chính tôi : tôi là ai và sống cho điều gì khi không thể níu kéo thời gian cũng không thể vượt thời gian ? Đó là kinh nghiệm về sự hữu hạn.

Kinh nghiệm thời gian như kinh nghiệm về sự vô tận

Tuy nhiên, kinh nghiệm về thời gian còn là kinh nghiệm về sự vô tận. Trải nghiệm từng biến cố luôn độc đáo. Ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác mà không bao giờ được định trước. Thời gian như sự đổi mới vô tận. Nó đưa ta vào thế giới và vũ trụ bao la, nơi đó khát khao tìm kiếm hạnh phúc vô biên. Mối tương quan thì hữu hạn, nhưng tình yêu thì vô hạn trong sự vô tận của thời gian.

Thời gian là thứ, cái và điều lớn lao hơn ta. Ta để mình cuốn hút vào trong đó và cảm nghiệm nó. Thời gian không chỉ hôm nay mà còn ngày mai và mãi mãi. Cái hữu hạn thời gian con người người được bao trùm bởi sự vô hạn. Ta là điểm nhấn và điểm sáng trong dòng vô tận thời gian. Con người nhỏ bé, nhưng lớn chan hòa trong cái vô tận.

Kinh nghiệm về sự vô tận là kinh nghiệm tìn kiếm cái vượt khỏi chúng ta, nhưng ta vẫn luôn tìm nó. Chính đều này đưa tra ra khỏi ý tưởng thời gian vật lý để đi vào kinh nghiện về sự hiện hữu. Sự hiện hữu trong thời gian, nhưng vượt thời gian. Đó là điều đưa ta tới ý tưởng về huyền nhiệm cuộc sống : mong manh như sợi tơ hồng, nhưng lung linh như dải ngân hà trong vũ trụ bao la và sự vô tận.

Kinh nghiệm thời gian là kinh nghiệm về sự hiện hữu !

Trần Văn Khuê


Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN CON NGƯỜI

Gần đây nhiều người Việt Nam trong nước – tâm huyết với vận mệnh Đất nước và lưu tâm tới nền nhân bản đảm bảo sự phát triển bền vững xã hội, khởi xướng phong trào vì nhân quyền. Tuy nhiên, phong trào này đang gặp phải dư luận trái chiều xuất phát từ suy nghĩ : Việt Nam đã là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc – dấu chứng về sự thăng tiến nhân quyền của Nhà nước, cũng như nó bị cho là đang chơi trò mưu mô chính trị - “diễn biến hòa bình”. Quả thật, phong trào vì nhân quyền đang đi vào điểm nhạy cảm chính trị, trong bối cảnh xã hội độc tôn chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam được ghi trong điều 4 của Hiến pháp Nước CHXHCNVN, khi cổ võ quyền tự do cá nhân và dân sự : tự do tín ngưỡng, tự do mưu cầu hạnh phúc riêng, tự do ngôn luận, tự do khuynh hướng chính trị cũng như nhiều quyền dân sự khác.

Thế nhưng, nhân quyền không chỉ được gói gọn trong vấn đề chính trị, thậm chí nó không phải là vấn đề chính trị trong nghĩa quyền bính.

Nhân quyền đơn giản là vấn đề con người. Ý tưởng về con người gắn liền với giá trị nền tảng là nhân phẩm, đòi hỏi được tôn trọng nơi bất cứ nền văn hóa, tôn giáo và chính trị nào. Nó là nền nhân bản căn bản. Giá trị này gắn liền với con người ngay cả khi nó chưa biết tới chính trị hay sinh hoạt chính trị. Nhân quyền làm phần với con người hiện sinh : từ lúc sự sống được khởi sự cho tới lúc lìa đời và còn hơn thế nữa. Chính vì thế Giáo hội Công giáo, đặc biệt trong lãnh vực đạo đức sinh học : từ vấn đề phôi bào tới an tử, luôn khẳng định sự tôn trọng tuyệt đối với con người : quyền sống và được sống tròn đầy nhân phẩm và phát triển toàn vẹn con người không tùy thuộc vào phẩm chất cá nhân. Quan điểm này không chỉ được dựa trên nền thần học Công giáo mà còn trên nền nhân học phổ quát nói về con người tự nhiên. Nhân quyền là sự sống con người.

Việc một số người, đặc biệt trong chế độ chính trị toàn trị, thường dị ứng với hai từ “nhân quyền” bởi vì họ lẫn lộn, hay thậm chí đặt thế thù địch giữa nhân quyền và quyền lực chính trị. Hệ quả là nhân quyền chết dần mòn trong chế độ độc tài như điều tất yếu. Chúng ta nhận thấy chưa có bất cứ chế độ độc tài nào trong đó nhân quyền được tôn trọng đáng kể.

Đầu năm nói chuyện con người là nói về chúng ta. Chúng ta tin về giá trị con người là căn bản. Nhân phẩm, nhân quyền là giá trị nền tảng và được luật phổ quát thiết định. Đó là tiền đề của sự phát triển, là thước đo xã hội văn minh và sự phồn thịnh của đất nước. Mặt khác, chúng ta cũng ý thức rằng nhận thức giá trị là tiến trình. Tiến trình nhận thức đòi hỏi giáo dục và sự dấn thân không mệt mỏi vì con người và cho con người, cho hết thảy chúng ta và cho thế hệ mai sau.

Trần Văn Khuê