Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

« VÔ VI » THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO


(Ảnh : kênh đào Ézéchias, Thành Vua Đa-vít)

Tính cầu toàn hình như đang lan rộng trong đời sống xã hội hôm nay do ảnh hưởng của cơ cấu định chế. Người ta khó có thể phân biệt ranh giới giữa sự phấn đấu lành mạnh nhằm phát huy khả năng và đòi hỏi mang tính cầu toàn nhắm tới thành tích.

Khi nói tới khuynh hướng cầu toàn, chúng ta không muốn ám chỉ những nổ lực phát huy sở trường của mình, vốn là động lực thúc đẩy nhiều người đạt tới trình độ xuất chúng. Khi chúng ta quý trọng tiềm năng của mình và thích phấn đấu để đạt tới tiêu chuẩn cao, thì đó là hành vi lành mạnh. Trái lại, khi chúng ta đòi hỏi mình phải đạt tới một thành tích cao hơn khả năng mình có thể đạt được, thì đó là hành vi mang tính cầu toàn. Khi chúng ta đưa ra những kỳ vọng vô lý và không thể đạt được, bấy giờ chúng ta bị thúc bách phải ráng sức liên tục để vươn tới mục tiêu bất khả thi. Vì khuynh hướng cầu toàn mà chúng ta đo lường giá trị của mình dựa trên hiệu năng và thành tích của mình. Có một tiếng nói bên trong khiển trách ta làm chưa đủ, do đó ta không được phép cảm thấy hài lòng. Ngược lại, khi ta cảm thấy vui sướng vì mình đã làm hết khả năng mà không cần phải trở nên hoàn hảo, ta có thể hài lòng về nổ lực của mình, ngay cả khi còn có những chỗ có thể được cải thiện. Khi chúng ta bị kìm kẹp trong khuynh hướng cầu toàn, chúng ta thường cảm thấy lo âu, bối rối và cạn kiệt cảm xúc khi bắt đầu một nhiệm vụ mới. Chúng ta bị thôi thúc mãnh liệt bởi cảm xúc sợ thất bại hơn là bởi ước muốn cải thiện. Mặt khác, khi chúng ta nổ lực phát huy sở trường của mình một cách lành mạnh, thì rất có khả năng là chúng ta cảm thấy phấn khởi, đầy sinh lực và thấy rõ những gì cần phải làm.

Trong khi khuynh hướng cầu toàn là nguyên nhân khiến chúng ta bị thúc bách và ráng sức thì khái niệm vô vi trong Lão Giáo khuyên chúng ta đừng dùng vũ lực mà tác động lên hoàn cảnh, nhưng sống thuận theo hoàn cảnh, lăn theo đà và bơi xuôi dòng. Vô vi hay “phi hành động” là khái niệm phát xuất từ câu nói nổi tiếng của Lão Tử : “Đạo không làm gì, nhưng chẳng cò gì mà Đạo không thực hiện được.”[1] Vô vi khuyến khích chúng ta thư giãn và hội tụ mọi nỗ lực của mình cho đúng mục tiêu.

Người cầu toàn có khuynh hướng gia tăng tốc độ và cố gắng gấp đôi, mỗi khi họ gặp sự chống đối và trở ngại. Thay vì dựa vào sức lực của mình, vô vi khuyên chúng ta nên làm chậm lại, kiềm chế sự nóng vội và quan sát kỹ lưỡng mỗi khi gặp cản trở trong cuộc sống của mình.

Trong lãnh vực hoạt động của con người, vô vi là hình thức thông minh giúp ta hiểu biết những năng động trong công việc của loài người, nhờ đó mà chỉ cần sử dụng một chút năng lực là có thể giải quyết được vấn đề.

Tinh thần vô vi được diễn đạt trong truyền thống Kitô giáo : “Hãy buông bỏ và để Chúa lo liệu”. Lời khôn ngoan ấy khuyến khích chúng ta đặt niềm tin vững vàng vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng đang hoạt động trong đời sống chúng ta và thanh thản buông bỏ những gì mà hiện nay chúng ta không thể thay đổi. Con đường vô vi đặt nền tảng trên niềm tin vào Đạo, là nguyên lý của thực tại, mà Đạo tự bản chất là lòng nhân ái. Do đó, chúng ta đừng chống lại, đừng can thiệp hay cản trở dòng chảy sự sống. Cũng vậy, đối với ai yêu mến, thì thái độ “buông bỏ và để Chúa lo” đặt nền tảng trên đức tin vững vàng này : “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Dĩ nhiên là đức tin ấy phải lấy thái độ chiêm niệm mà nhận biết Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thực tại và đang làm việc vất vả để chúng ta được hạnh phúc. Đức tin Kitô giáo bảo đảm với chúng ta rằng, vì Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thực tại tự bản chất thì tốt và Thiên Chúa là Đấng đáng tin. Các Kitô hữu được mời gọi phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và tuân phục dòng chảy ân sủng của Người, vì “Người có thể làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Tin tưởng Thiên Chúa thì giống sự nổ lực thanh thản của vô vi hơn là sự ám ảnh, cưỡng bức của khuynh hướng cầu toàn.

Tóm lại, con đường vô vi là cách thức chống lại chướng ngại vật cản trở việc hợp tác do khuynh hướng cầu toàn tạo ra, vì con đường đó làm cho chúng ta bình tĩnh hơn, tin tưởng và kiên nhẫn với người khác nhiều hơn, đang khi chúng ta làm việc với họ.

E. Trúc Giang, spc






[1] Được trích dẫn bởi Alan Watts

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét