Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

NGHI KỴ

Không biết từ bao giờ và bằng cách nào mà sự nghi kỵ xâm nhập con người ? Nó kết dính trong con người như thể yếu tố không được giải trừ nơi hữu thể con người. Quả thế, có người như sinh ra cho sự nghi kỵ.

Kinh Thánh nói nhiều về sự nghi kỵ con người và hệ lụy của nó. Nhiều người hẳn biết đến câu chuyện về con rắn trong sách Sáng Thế. Ngay sau công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, rắn xuất hiện như con vật huyền bí đi vào đời sống con người. Nó bắt đầu công việc mờ ám là gieo vào lòng con người sự nghi kỵ với Đấng Tạo Hóa nhằm tách con người ra khỏi nguồn của sự sống (x. St 3). Tiếp theo sau câu chuyện này là trình thuật về sự nghi kỵ của người anh đối với người em trong câu chuyện Ca-in và A-ben gây ra cái chết ai oán đầu tiên trong Kinh Thánh (x. St 4). Kinh Thánh còn tiếp tục kể nhiều câu chuyện khác như Vua Sa-un đối với Đa-vít - kẻ trung thần (x. 1Sam 18-24). 

Trong văn chương – từ văn chương Tây phương cho tới Đông phương, chúng ta còn đọc thấy đầy dẫy câu chuyện về sự nghi kỵ. Chuyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện văn chương Việt Nam điển hình, dù nó chỉ là câu chuyện cổ tích và huyền thoại. Phải chăng kinh nghiệm về đời sống con người là kinh nghiệm về sự nghi kỵ ?

Không chỉ trong văn chương, nơi đời sống thực tiễn chúng ta trải qua cuộc chiến về sự nghi kỵ mà con người “vừa là tác nhân và là nạn nhân”. Người ta dần thiết lập cho nhau ranh giới giữa bạn và thù, giữa lợi ích và thất lợi, giữa quyền lực và bị quyền, giữa trên và dưới, giữa truyền thống và ngoại lai, giữa đa số và thiểu số…. Trong tất cả cặp đối kháng đó sự nghi kỵ bào mòn máu thịt con người làm cho nó trở nên điên cuồng, hung hăng, man trá, thô lỗ giữa con người với nhau.

Dù thế nào thì nghi kỵ không thể là con đường xây dựng cuộc sống con người đích thực. Nó chỉ có thể là sự hủy diệt, đặc biệt khi nó được hệ thống hóa. Ai sinh ra nó như phương tiện để tồn tại sẽ không thể đạt tới cứu cánh hạnh phúc trường tồn ; ai sống trong nó sẽ khó thoát khỏi vòng vây của sự bất an. Chúng ta biết rằng tương lai của thế giới và cuộc sống của chúng ta chỉ được đặt nền móng trên những gì là chân thật. Sự chân thật xây dựng lòng tin và lòng tin giải thoát con người.

Phá bỏ bức tường nghi kỵ để xây dựng thế giới dựa trên những gì chân thật và lòng tin là con đường dài mà chúng ta cần nhiều hy sinh, thiện chí và hướng thiện. Nó đòi hỏi tiến trình giáo dục lâu dài và sám hối cá nhân và cả cộng đoàn cách chân thành đến khi chúng ta có thể nói : “Tôi sinh ra không phải để cho sự hận thù” và sự nghi kỵ, nhưng là cho sự tin tưởng. Đây không chỉ là thái độ đạo đức mà còn là giá trị nhân văn.


Trần Văn Khuê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét