Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

TÌNH THƯƠNG CHÚA ĐỜI ĐỜI CON CA TỤNG


Ảnh : Hồ Silôê

Cái tĩnh mịch cho vũ trụ chìm sâu trong giấc ngủ. Mọi vật như im lìm trong thầm lặng. Trái đất mãi xoay vần, gió vẫn thổi, mây vẫn bay, cây cối hút nước và hít thở bầu không khí trong lành... Con người đón chào ánh bình minh của ngày mới, tia sáng bị khúc xạ bởi các tầng mây hòa cùng làn gió nhẹ, trông thật đẹp mắt và thi vị.

Từ sớm mai con hát lên lời ca tụng : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Vì yêu thương Chúa đã dựng nên vũ trụ bao la với muôn vàn tinh tú, trăng sao, thú vật, cá biển, chim trời... Tất cả như đang thầm lặng trước tôn nhan Chúa. Chỉ có thầm lặng mới diễn tả được quyền năng và vinh quang của Ngài. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18A,1).

Sự xuất hiện của con người là chóp đỉnh của tạo dựng mà Thiên Chúa đã thực hiện, là kiệt tác hoàn hảo hơn bất cứ tác phẩm nào. Con người tuy nhỏ bé so với vũ trụ bao la, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt.

Ngược dòng thời gian về quá khứ, ghé thăm vườn địa đàng năm xưa : miền đất bao la tràn đầy sữa và mật, cây cối xanh tươi, hoa ngọt trái bùi bên dòng suối nước. Tiếng kêu của côn trùng hòa với tiếng hót của đàn chim trong gió nhè nhẹ của buổi chiều mát dịu ; tất cả đang hòa thành bản nhạc du dương, vẽ nên bức tranh thật sống động. Trong cái thanh bình thầm lặng dưới tia nắng hồng của hoàng hôn, Thiên Chúa Giavê dạo chơi với con người, như người Cha dìu đứa con bé bỏng của mình bước đi những bước chập chững đầu đời. Tất cả để nói lên tình thương của Đấng Tạo Hóa dành cho con người. Mỗi vết chân là một dấu ấn tình yêu không bao giờ phai. Nhưng, con người đã đánh mất giây phút hạnh phúc ấy, đã cắt đứt sợi dây yêu thương mà Thiên Chúa đã trao ban. Giờ đây con người phải sống trong bất hạnh đau khổ. Bởi vì con người đã bất phục tùng và chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa. Dầu vậy, tình yêu Ngài vẫn cứ mãi tuôn tràn tựa biển hồ lai láng. Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu  Độ : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đạp dập đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Và “Thời gian đã tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Thiên Chúa Cha đã thông ban cho chúng ta Con Một yêu dấu của Ngài, để chúng ta sống bình an, hạnh phúc. Chúa Cha trao ban cho chúng ta cách nhưng không, Ngài không đòi hỏi điều gì ngoại trừ kêu gọi chúng ta cũng phải biết cho đi nhưng không (x. Mt 10,8). Lời mời gọi đó không phải là Thiên Chúa Cha đang trông mong chúng ta đến với anh em mình, và chờ đợi chúng ta trở về hay sao?

Hãy trở về ! Hãy trở về với Cha nhân từ ! Hãy trở về ... để trong “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), chúng ta được làm con Thiên Chúa Cha và đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô.

Trong Tông Thư gởi đầu Thiên Niên Kỷ Mới, số 5, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết : “Mầu Nhiệm Nhập thể của Thiên Chúa, đạt tới chóp đỉnh trong Mầu Nhiệm Phục Sinh và hồng ân của Thần Khí, là con tim rung động của thời gian, như hạt giống dự định để trở nên một cây lớn” (x. Mc 30-32).

Đúng vậy, mầu nhiệm đau khổ và Phục sinh của Ngôi Lời, là ngôn ngữ sống động của tình yêu mà sự hiểu biết của con người không thể thấu đạt : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Hạt giống của sự sống được gieo vào lòng đất, đã mục nát đi rồi nảy mầm vươn lên. Sự sống đã chiến thắng tử thần qua cuộc từ nạn và phục sinh của Đức Kitô.

Cây Sự Sống với cành lá xanh tươi đã mọc lên. Ở đây chúng ta được ví như cành cây gắn liền với thân cây là Đức Kitô để đón nhận sự sống và sinh hoa trái. Đó là hoa thơm của thánh thiện và bác ái.

Thầm lặng và chiêm ngắm để thấy tình thương Chúa vẫn ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ trong lòng. Tâm hồn chúng ta phấn khởi vui mừng hát lên bài ca chúc tụng “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89,2).

E. Trúc Giang, spc