Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

ĐỨC GIÊSU VÀ SỰ THINH LẶNG

Người ta thường nói “thinh lặng là vàng” hay “thinh lặng là nghệ thuật của đối thoại”. Thật vậy, thinh lặng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Đối với Đức Giêsu, sự thinh lặng còn mang nhiều ý nghĩa cao siêu khác mà Thánh Kinh đã ghi lại cho chúng ta.

Thông thường, con người sau giờ lao động vất vả, náo nhiệt hay tìm kiếm giây phút thanh vắng để nghỉ ngơi cho lại sức, nhằm lấy lại thế quân bình cho cơ thể và tâm trí. Trong khi nghỉ ngơi người ta không thích sự ồn ào, náo động của người khác.

Đức Giêsu nhà tâm lý đại tài. Ngài rất am hiểu về ý nghĩa của sự thinh lặng. Khi các môn đệ đã mệt mỏi sau cuộc hành trình truyền bá Tin Mừng và hành nghề trừ quỉ chữa bệnh, Ngài bảo các ông : “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31).

Mặt khác, Đức Giêsu nổi tiếng với tài năng như thuyết giáo hay, chữa bệnh giỏi, trừ quỉ tài phép, đặc biệt là lòng nhân ái đã khiến cho tiếng tăm lan rộng và hàng ngàn người kéo đến với Ngài. Thế nhưng, không như người biệt phái kiêu căng, tự mãn, trái lại Ngài lánh mặt đi ra nơi thanh vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng ; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lánh vào nơi hoang vắng để cầu nguyện” (Lc 5,15-16).

Đối với Đức Giêsu, sự thinh lặng cầu nguyện còn là phương thế để gặp gỡ và thưa chuyện với Chúa Cha trong mọi lúc bất kể thời gian và Người coi như là bổn phận: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”(Mc 1,35). Đồng thời, sau khi đã nuôi sống hàng ngàn người ăn, Người giải tán họ và lên núi cầu nguyện (x. Mt 14,23) để cảm tạ Chúa Cha về hồng ân mà Cha đã ban. Hồng ân đã giúp cho Ngài nuôi sống hàng ngàn người no thỏa.

Ngoài việc gặp gỡ Chúa Cha, sự thinh lặng của Đức Giêsu còn biểu lộ lòng khiêm nhường. Ở đời, người ta vốn thích được tiếng hơn được miếng, họ vốn thích người khác khen là giỏi, là tài ba... nhưng Đức Giêsu hoàn toàn khác. Ngài chữa bệnh rất giỏi không lấy tiền, nhưng lạ là Ngài đều cấm họ phải im tiếng hay không tiết lộ : “Coi chừng đừng nói với ai” (Mt 8,4; Mc 1,44; Lc 8,56). Chúa Giêsu luôn tự coi mình là tôi trung của Chúa Cha. Chính vì thế mà Ngài muốn dân chúng giữ thinh lặng để khỏi hiểu sai về vai trò của Ngài. Nhưng dù cho Ngài có cấm, họ vẫn không thể không cất lời ca ngợi Chúa. Sau cùng, hình ảnh Người tôi trung của Giavê Thiên Chúa bị hành hạ, chịu nguyền rủa nhưng vẫn im lặng tuyệt đối, biểu hiện rõ nét qua hình ảnh Đức Kitô khi đối diện với hội đồng và tổng trấn Philatô : “Người làm thinh chẳng hé môi” (Mc 15,5).

Đỉnh cao của thinh lặng là sự tha thứ. Lời cầu xin tha thiết này của Đức Giêsu là lời tha thứ bao la, vô bờ bến : “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Con Một Thiên Chúa uy linh tối cao lại để cho loài người thấp hèn tội lỗi hành hạ, đánh đập, chửi rủa. Ngài vui lòng cam chịu, không hề thốt ra một tiếng nào. Qua đó, ta thấy sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa. Đằng sau sự thinh lặng đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa tuôn chảy trên khắp mặt đất này.

Tóm lại, qua những ý tưởng trên phần nào làm nổi bật sự thinh lặng tuyệt vời của Chúa Giêsu. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cũng nên coi thinh lặng như kim chỉ nam cho đời sống của mình. Chúng ta tìm kiếm sự thinh lặng không phải là cái gì bên ngoài, không có tiếng động, nhưng chính là từ nơi sâu thẳm của con tim, nơi hiện ra và thu hồi mọi ước vọng sâu xa nhất có thể giúp ta sống tỉnh lặng trong tương giao với Thiên Chúa.


E. Trúc Giang, SPC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét