Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

GIÁO DỤC TỪ CÁI NHÌN CỦA EMMANUEL KANT

Trong số bài trên trang blog Saokhue, tôi đã đăng hai bài viết ngắn về giáo dục : “Giáo dục nhân tâm : mẹ của mọi nền giáo dục”[1] và “Về vấn đề giáo dục”, được trích từ cuốn sách : “Những điểm tựa luân lý Ki-tô giáo”[2]. Hôm nay tôi tiếp tục gợi lên một vài điểm suy tư ngắn gọn về giáo dục khác từ cái nhìn của Emmanuel Kant (1724-1804). Ông đã dành nhiều phần để luận bàn về giáo dục trong các tác phẩm triết học chính yếu của mình.

Trong cuốn « Réflexions sur l’éducation »[3] (tạm dịch : Suy tư về giáo dục), Emmanuel Kant đặt giáo dục làm nền tảng trong tiến trình phát triển con người. Giáo dục bao hàm việc chăm sóc (soins), kỷ luật (discipline), hướng dẫn (instruction) và huấn luyện (formation). Tuy nhiên, bước nhảy của con người là đi ra khỏi thời kỳ phôi thai của phát triển - sự chăm sóc, tồn tại nơi mọi loài động vật như bản năng phụ thuộc. Tiến trình này được thực hiện qua giáo dục và nó làm cho con người thoát khỏi tình trạng động vật : “chuyển từ trạng thái động vật sang trạng thái con người”, theo cách nói của Kant. Con người không thể sống theo bản năng, mà theo lý trí. Giáo dục giúp con người đi đúng quỹ đạo của mục đích tự nhiên là sự hoàn thiện và đỉnh cao của sự hoàn thiện là đạo đức. Qua giáo dục con người lĩnh hội phẩm chất tự nhiên thuộc về nhân loại. Quả vậy, khuynh hướng thô thiển và tình trạng hoang dã tiềm tàng nơi con người. Vì thế, người không được giáo dục là người hoang sơ. Giáo dục làm cho con người trở nên người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể không đặt câu hỏi : giáo dục là gì và như thế nào ? Đối với Kant, giáo dục giúp con người khả năng suy tư tự lập và hành động tự do. Nó là con đường đưa con người tới việc lĩnh hội tri thức và hành xử đạo đức. Tự do trong tư tưởng của Kant không phải là đối lập lại sự áp bức mang tính chính trị, nhưng là sự giải phóng khỏi khuynh hướng hoang dã nơi con người. Con người tự do là con người được giải phóng khỏi sự “áp bức” của bản năng và trở nên tự lập trong ý muốn và suy tư. Tự do vì thế mang tính đạo đức.

Triết gia phương Tây này là gương mặt tiểu biểu của phong trào Ánh Sáng ở châu Âu vào thế kỷ XVIII. Phong trào mà đối với Kant là nhằm nâng cao nhận thức qua giáo dục trong đời sống xã hội và chính trị. Nó đưa con người ra khỏi miền u minh để xây dựng nền cộng hòa và dân chủ. Dân chủ không tự nó sinh ra cũng như không trở thành điều hiển nhiên cách đơn thuần qua tuyên bố nhân danh nền cộng hòa. Nó là tiến trình qua giáo dục. Mốc thời gian này – từ Kant tới hôm nay, đối với chúng ta là quá xa xôi. Tuy nhiên, xem chừng suy tư của ông về giáo dục mang tính thời đại. Sự tồn tại một số thể chế chính trị độc tài trên thế giới cho chúng ta thấy giáo dục đang có vấn đề nơi đây. Cũng vậy, nhìn vào đời sống xã hội như hệ lụy của việc giáo dục tại Việt Nam nhiều nhân sĩ yêu nước đã từng cảnh báo về hệ thống và triết lý giáo dục “mất định hướng”[4]. Phải chăng quan điểm của Kant về giáo dục vẫn mang tính hợp thời cho mọi nền văn hóa ?

Trần Văn Khuê



[3][3] Bản dịch tiếng Pháp.
[4] X. Những vấn đ giáo dục hiện nay. Quan điểm & giải pháp (nhiu tác giả), NXB Tri Thức, 2007.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

VIỆT NAM VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC

Ngày 12 tháng 11 vừa qua (2013) Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu 14 thành viên mới, trong đó có Việt Nam, vào Hội Đồng Nhân Quyền với nhiệm kỳ ba năm (2014-2017). Việt Nam – thành viên mới, nằm trong danh sách các quốc gia (Trung Quốc, Nga, Cuba, Ả Rập Xê Út…) gây nhiều tranh cãi về vấn đề nhân quyền trong nước. Chính vì thế việc trúng cử này gây ngạc nhiên và làm phẫn nộ nhiều tổ chức và cá nhân đấu tranh cho nhân quyền trên toàn thế giới[1] như trước đó họ đã từng lên tiếng phản đối[2] vì những vụ vi phạm nhân quyền[3].

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc – được thành lập vào năm 2006 và được ghi nhận có nhiều chia rẽ nội bộ do các hồ sơ nhân quyền[4], không phải là cơ quan quyền lực có tính chất hành pháp, nhưng cũng không thể là sân chơi chính trị rẻ tiền mà nơi đó các thành viên có thể ngẫu hứng phát biểu theo cách của nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Minh Triết, phát biểu tại Cuba trong chuyến viếng thăm của ông vào tháng 10 năm 2009 : “Có người ví von : Việt Nam và Cuba như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ ; Việt Nam gác thì Cuba ngủ”[5] ? Bởi lẽ, đó là Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc !

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc : trường huấn luyện nhân quyền hơn là cơ quan bảo vệ nhân quyền ?

Nhìn vào danh sách các thành viên thuộc Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2017) chúng ta có cảm giác hội đồng này là trường huấn luyện nhân quyền hơn là cơ quan bảo vệ nhân quyền. Từ cái nhìn tích cực nhất có thể, Hội Đồng Nhân Quyền – theo cơ cấu tổ chức, vận hành theo tiêu chí cả về nội dung và hình thức : tập hợp thành viên tham gia vào công việc bảo vệ nhân quyền, và là nơi nhận thức về giá trị con người bất khả xâm phạm, cần được tôn trong xã hội dân sự. Nếu nó không là tổ chức hành động cụ thể thì ít ra cũng là diễn đàn về nhân quyền nhằm hạn chế rủi ro phát biểu theo “ngẫu hứng” ngay từ nơi các thành viên, như cách của “nữ chính trị gia” Việt Nam, bà Nguyễn Thị Đoan – Phó Chủ tịch nước Việt Nam (2007 - ) tuyên bố : “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản[6]. Không tranh cãi về lời tuyên bố này của bà Phó Chủ tịch nước, nhưng chúng ta nhìn vào số liệu mà nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì phát biểu trên đây của bà Nguyễn Thị Đoan quả thật là “ngẫu hứng”[7] ! Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn nhận quan điểm của Emmanuel Kant, triết gia người Đức (1724 – 1804) : “Tự do và dân chủ nhờ giáo dục”, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc có thể là trường huấn luyện nhân quyền. Nó vừa là sân chơi chính trị, vừa là diễn đàn mà nơi đó chúng ta hy vọng các thành viên “làm việc” nghiêm túc theo tinh thần “Hiến chương” của Liên Hiệp Quốc : “thăng tiến nhân quyền”[8].

Trường huấn luyện không thiếu rủi ro

Cái nhìn tích cực này không thể loại trừ rủi ro về “phản ứng phụ” từ cơ cấu nhân sự của Hội Đồng Nhân Quyền trên bình diện quốc tế cũng như quốc gia. Nhận định của “Hội phóng viên không biên giới” ngay sau khi các thành viên mới của Hội Đồng Nhân Quyền được bầu : “Kể từ đây nguy cơ liên minh chống lại tự do thông tin trở nên thực sự. Trong tổng số 47, có khoảng 20 thành viên nằm ở vị trí trên một trăm trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của Hội phóng viên không biên giới [Cuba : 171 ; Việt Nam : 172 ; Trung Quốc : 173]. Cơ cấu mới này gây lo ngại là các nước thành viên công cụ hóa Hội đồng nhằm chống lại cách dữ tợn hơn việc thăng tiến và bảo vệ nhân quyền”[9]. Hay như đánh giá của Đoàn Xuân Lộc trong bài viết “VN vào Hội đồng nhân quyền để làm gì ?” : “che đậy hồ sơ nhân quyền kém cỏi của mình” [10] ? Điều này nguy cơ tầm thường hóa “quyền con người”.

Lời nguyền

Mọi con dân Đất Việt thiện chí mãi khát vọng xây dựng xã hội “phát triển lên tầm cao mới”, nơi đó đời sống con người mang chiều kích tinh thần, vật chất, tri thức, văn hóa, đạo đức và tôn giáo được thăng tiến.

Trần Văn Khuê






[1] X. Reporters sans frontières, « Election des nouveaux membres du conseil des droits de l’homme » (http://fr.rsf.org/election-des-nouveaux-membres-du-08-11-2013,45442.html).
[2] X. Thụy My, « Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc sẽ chấp nhận Việt Nam ? » (http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131112-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc-se-chap-nhan-viet-nam).
[3] X. Tú Anh, « Ân Xá Quốc Tế tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền » (http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131107-an-xa-quoc-te-to-cao-viet-nam-gia-tang-dan-ap-nhan-quyen).
[4] X. Đoàn Xuân Lộc, “VN vào Hội Đồng Nhân Quyền để làm gì ?” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/11/131115_un_human_rights_council_why.shtml).
[6] Lời phát biểu này được đăng trên báo Nhân Dân, ngày 05 tháng 11 năm 2011 (http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_Doan).
[7] Nhà báo Phạm Trí Dũng trả lời Ban Việt ngữ đài RFI : “Theo kết qu cuc kho sát ch s công lý 2012 do Chương trình Phát trin Liên Hip Quc (UNDP) ti Vit Nam, cùng vi Hi Lut gia Vit Nam, Trung tâm Nghiên cu Phát trin và H tr Cng đng, thì 42,4% dân chúng Vit Nam không biết gì v Hiến pháp, hoc chưa bao gi nghe nói đến Hiến pháp ! S 57,6% còn li là nhng người biết Hiến pháp là gì, hoc đã tng nghe nói ti Hiến pháp, thì trong đó có ti 23% không h biết Vit Nam đang t chc góp ý sa đi Hiến pháp. Thế thì làm sao có th nói là tuyt đi dân chúng đng tình vi bn D tho Hiến pháp mi ?” (x. Thụy My, “Hiến pháp mới : cơ hội cuối cho một Quốc hội” : http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131114-hien-phap-co-hoi-cuoi-cung-cho-quoc-hoi).

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Trong nghi thức khai tâm Ki-tô giáo cho người lớn, lời đối thoại giữa chủ sự và dự tòng có đoạn : - Chủ sự : “Ông (bà, anh, chị) xin gì cùng Hội Thánh ?” , - Dự tòng : “Thưa xin đức tin” ; - Chủ sự : “Đức tin sinh ơn ích gì cho ông (bà, anh, chị) ?” , - Dự tòng : “Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời”.

Đối với tín hữu Ki-tô giáo, đức tin khai nguồn sự sống đời đời : “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Tin Mừng theo thánh Gio-an, chương 17, câu 3). Câu Tin Mừng này được trình bày lại tiếp theo trong lời đối thoại với dự tòng : “Sự sống vĩnh cửu là ông (bà, anh, chị) nhận biết Thiên Chúa thật và Đấng Người sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, đã được Thiên Chúa đặt làm nguồn mạch sự sống và Chúa tể mọi loài hữu hình và vô hình. Sự sống ấy hôm nay ông (bà, anh, chị) đón nhận qua bí tích Thánh tẩy, và được trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô”.

Tin Mừng nhất lãm (ba cuốn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca) trình thuật câu chuyện người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Sau khi nghe là phải tuân giữ các điều răn được ghi trong Luật Mô-sê, người ấy nói : “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không ?” và Chúa Giê-su trả lời : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (x. Mt 19, 16-21). Có nhiều chi tiết trong đoạn Tin Mừng này làm chúng ta quan tâm. Cả ba thánh sử Tin Mừng ghi lại người đến hỏi Chúa Giê-su về sự sống đời đời là người giàu có. Thánh Lu-ca còn có thêm chi tiết : người quý tộc hay thủ lãnh. Trong thông điệp “Veritatis Splendor” (Chân lý Rạng ngời), 1993, Chân phước Gio-an Phao-lô II – được nâng lên hàng hiển thánh vào tháng 04 năm 2014 sắp tới, cho rằng nhân vật trong đoạn Tin Mừng này tượng trưng cho con người phổ quát đi tìm câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống. Câu trả lời của Chúa Giê-su cho người giàu có không là ý tưởng trừu tượng hay siêu hình, nhưng nó ám chỉ sự sống đời đời được khởi đầu hôm nay từ việc đáp lại mời gọi : “Hãy đến theo tôi”. Việc tuân giữ Lề luật – ngõ hầu đạt tới sự sống đời đời, được chuyển dịch sang cuộc sống bước theo Đấng “là Con đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Viễn cảnh Ki-tô giáo về sự sống đời đời này hoàn toàn không đi ngược lại xu hướng phát triển của thế giới và văn minh thời đại như một số người từng lên án hay bài xích. Nó không là rào cản của sự tiến bộ và cũng không đối kháng với lý trí. Ngược lại, nó là hiện thân của sự khôn ngoan – lý trí hoàn thiện, chất vấn nền văn minh tô màu lý trí nhưng lại đượm tràn chủ nghĩa duy ý chí. Sự sống đời đời triển nở trong đức tin không muốn hoán đổi nền khoa học thành lãnh vực tâm linh hay khoa học gia thành nhà thần bí, nhưng đặt lại vị thế con người trong sự phát triển, mà chúng ta nhận thấy nó nguy cơ bị công cụ hóa hay trở thành phương tiện trong mọi lãnh vực. Lợi ích kinh tế chà đạp nhân vị, quyền và phẩm giá con người ; thủ đoạn hay thủ thuật chính trị giam hãm con người trong thỏa hiệp đen tối. Hơn nữa như ghi nhận của Công đồng Va-ti-ca-nô II : “Con người vừa là chủ, vừa  là nạn nhân của sự tiến bộ khoa học – kỹ thuật”.

Sự sống đời đời là mai sau, nhưng bắt đầu khởi sự từ hôm nay. Câu nói lừng danh của thánh giáo phụ I-rê-nê, giám mục thành Lyon vào cuối thế kỷ thứ II : “Hạnh phúc con người là được nhìn thấy Thiên Chúa”, nhưng “vinh quang của Ngài là con người đang sống”. Cái nhìn này đưa chúng ta vào thế giới dung hòa giữa Trời và Đất, giữa con người và vũ trụ và giữa con người cùng với tạo vật muôn loài. Trong thế giới hôm nay chúng ta cần đảm bảo trái đất này vẫn là “miền đất hứa” cho thế hệ mai sau và luôn phản ảnh vẻ đẹp huy hoàng của Đấng tạo hóa. Sự sống đời đời là đời sống viên mãn trong Thiên Chúa. Trong Ngài cuộc sống này được yêu thương tràn đầy và trở nên phong phú.


Trần Văn Khuê