Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

HÒA GIẢI


Hòa giải là chủ đề nền tảng xuyên suốt cuốn Kinh Thánh ghi lại hành trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi con người bất phục tùng, Thiên Chúa không ngừng tái lập giao ước với loài người : lòng trung tín và tình yêu của Ngài bền vững muôn năm (x.Tv 135). Ngài yêu thương ngay cả khi con người còn sống trong tội lỗi như lời của thánh Phao-lô (x. Rm 5, 8).

Con đường hòa giải của Thiên Chúa vì thế trở thành mệnh lệnh trong giáo huấn của Đức Giê-su. Sự đòi buộc Tin Mừng trở nên khắt khe. Hòa giải không còn là sự lựa chọn tùy thích, mà là điều kiện làm thành môn đệ của Đức Giê-su. Chúng ta từng học biết lời này : “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em đó trước đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24). Sự hòa giải thiết yếu hơn của lễ, chính vì của lễ và nơi dâng của lễ đích thực là sự giao hòa giữa Thiên Chúa và con người cũng như con người với nhau.

Nếu như hòa giải là tính chất của đời sống con người, vì con người cần hòa giải và được hòa giải và không thể sống trong hy vọng nếu không có sự tha thứ, chúng ta vẫn nhận thấy hòa giải là con đường đầy thách thức. Nó đòi hỏi những đức tính cần thiết, nhưng không dễ dàng đạt tới, như trong thư của thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Eph 4, 2). Ngoài các đức tính : khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, bác ái và chịu đựng, hòa giải còn là một tiến trình.

Không có hòa giải nếu không có nhận thức. Sự hòa giải chỉ có thể khi con người nhận thức rằng nó thật sự cần thiết và chính nó làm nên sự sống. Sự nhận thức không chỉ thuần túy tri thức, nhưng còn là xác tín được thúc đẩy bởi niềm tin nơi con người. Chúng ta đọc thấy trong lịch sử thế giới những dân tộc dễ hòa giải với nhau hơn, ngay cả sau các cuộc chiến huynh đệ tương tàn, khi họ có khả năng đối thoại : trao đổi thẳng thắn và cởi mở bằng nhận thức, cũng như được thừa hưởng nền nhân bản đích thực.

Không có sự hòa giải nếu không có đối thoại. Hòa giải không thể thực hiện đơn phương ; nó cần đối thoại. Chỉ trong đối thoại con người mới có thể hòa giải. Lời cho phép con người giao cảm và hòa giải với nhau. Nhưng, người ta không thể đối thoại khi bị chi phối bởi mặc cảm hay thành kiến. Người ta cũng không thể đối thoại bởi tư tưởng thù địch hay sống trong tư thế tự vệ. Giáo dục phi nhân bản và tuyên truyền chính trị đặt “đấu tranh giai cấp” gây hận thù làm cứu cánh biến “con người là sói của nhau”.

Không có sự hòa giải nếu con người không hướng về cùng mục đích : Chân – Thiện – Mỹ. Hòa giải không chỉ là giải quyết một vài vấn đề tình cảm hay xung đột. Nó phải là con đường đưa tới “Chân – Thiện – Mỹ”. Chỉ có điều này mới cho phép con người hòa giải với nhau. Bởi lẽ, những toan tính cá nhân hẹp hòi sẽ mãi giam hãm con người trong chính mình, khó làm cho người ta trở nên cao thượng và quảng đại với nhau.

Hòa giải đòi hỏi dấn thân. Yêu thương và tha thứ nơi lời nói thôi chưa đủ. Đối với người Ki-tô hữu, sự dấn thân này chỉ có thể khi hướng nhìn về Thiên Chúa và cầu mong ân sủng của Ngài. Tin Mừng không chỉ có lời yêu thương, nhưng còn yêu thương trong xác phàm như sự tự hủy của Thiên Chúa. Con đường hòa giải Tin Mừng là con đường ân sủng, nhưng là thứ “ân sủng đắt giá” như nhà thần học người Đức, Dietrich Bonhnoeffer, từng nói trong tác phẩm “Bước theo Đức Ki-tô”.

Trần Văn Khuê


Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

YÊU KẺ THÙ

Cả hai thánh sử Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca ghi lại giáo huấn : “Hãy yêu thương kẻ thù” (Mt 5,44 ; Lc 6,27), trong loạt Bài giảng trên núi của Đức Giê-su. Tính chất tình yêu Tin Mừng này trở thành một trong những đòi hỏi khắt khe, chứ không phải sự lựa chọn tuỳ thích đối với Ki-tô hữu.

Tuy nhiên, ngay cả trong kinh nghiệm sống Tin Mừng của các Ki-tô hữu, câu hỏi được nêu lên : “Hãy yêu thương kẻ thù” có ý nghĩa gì khi kẻ thù vẫn trấn áp, khủng bố và bách hại ta ? Tình yêu này là gì khi chỉ có sự vu khống và gian dối ? Những cuộc chiến đẫm máu ghi đậm màu sắc hận thù tôn giáo, chính trị, quyền bính và sắc tộc đây đó trên toàn thế giới, đây đó nơi các cộng đoàn xã hội và tôn giáo, hôm qua cũng như hôm nay là dấu chứng cho sự hòa giải khó khăn. Phải chăng tình yêu Tin Mừng làm cho các Ki-tô hữu trở thành người cam chịu hay không còn khả năng kháng cự lại điều ác ?

Mặt khác, tình yêu kẻ thù không thể phủ lấp đắng cay và cơn ác mộng của nạn nhân vô tội trải qua bạo lực. Không phải chỉ chúng ta hôm nay mới thấy hậu quả nghiêm trọng của bạo lực và hận thù. Đức Giê-su cũng đã hiểu điều điều đó.

Phải hiểu như thế nào “Hãy yêu thương kẻ thù” ? Đó chắc chắn không phải là thứ tình yêu dễ dãi, nhưng trước hết là tình yêu không cho phép vạch ranh giới “bạn” và “thù”. “Hãy yêu thương kẻ thù” không đặt câu hỏi : ai là bạn và ai là kẻ thù của tôi. Chỉ có “tình yêu giai cấp vô sản” mới đặt sự đối kháng không thể hòa giải giữa “bạn” và “thù” : hoặc là bạn hoặc là kẻ thù. Lời giải thích của Đức Giê-su về tình yêu đối với kẻ thù : vì Cha anh em, Đấng ngự trên trời, “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Yêu thương kẻ thù là làm một với người đồng loại.

Thế nhưng người Ki-tô hữu cũng không thể ảo tưởng về việc yêu kẻ thù. Đó không phải là công việc dễ dàng hay nhẹ nhàng. Nó là thử thách, là gian nan, là căy đắng. Yêu thương kẻ thù là món ăn mà không ai muốn nếm thử. Bởi lẽ, tình yêu này đòi hỏi con đường hòa giải và tìm kiếm sự hiểu biết trong khiêm tốn tột độ và lòng bao dung xả kỷ. Từ cái nhìn đức tin, ai tin vào Thiên Chúa chỉ có thể trông cậy vào ơn của Ngài để được biến đổi. Trong sự biến đổi này chúng ta mới có thể “chịu đựng lẫn nhau” trong “tình yêu và chân lý”.


Trần Văn Khuê