Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

TINH THẦN NÀO CHO THẾ GIỚI MỚI ?

Thế giới chúng ta trải qua nhiều biến chuyển. Đời sống xã hội, chính trị và kinh tế có nhiều đảo lộn theo thời gian. Các nền văn hóa dần được chỉnh hóa bằng cách gọt bỏ bớt tính quá cá biệt để trở nên cởi mở hơn. Não trạng, cách suy nghĩ và nhận thức của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, cũng thay đổi rất nhiều. Giáo dục không còn là vấn đề áp đặt những nguyên tắc hay thậm chí những điều không thể bàn cãi. Một số bậc cha mẹ chỉ có thể giáo dục con cái bằng cách theo chân chúng vào thế giới riêng của tuổi nổi loạn, dù đó là điều tồi tệ nhất đối với các bậc phụ huynh. Một số họ chia sẻ : vì biết rằng không thể cấm con mình thích ăn chơi ở các vũ trường, họ đành phải đưa con đi và đón con về. Đó không phải là thái độ chiều con thái quá, nhưng là triết lý phải áp dụng : “lạt mềm cột chặt”, “dây căng dễ đứt” ! Giáo dục không đơn thuần là bài học giáo khoa.

Tinh thần mềm dẻo

Thường khi đánh giá hay nhận định về mối tương quan xã hội giữa các cá nhân, người ta đề cập tới một trong những phẩm chất : mềm dẻo, hay ngược lại, điểm hạn chế là sự cứng nhắc. Mềm dẻo không ám chỉ sự nhu nhược chiều theo ý muốn của người khác, nhưng là sự thích nghi khéo léo bằng khôn ngoan và lý trí trong cách ứng xử và giải quyết vấn đề. Nó không loại trừ quyền bính và tính quyết đoán trong quyết định.

Mềm dẻo không là sự cứng nhắc bất di bất dịch theo triết lý và quan điểm riêng, không bị nhốt trong một ý thức hệ hay khuynh hướng. Tinh thần mền dẻo là tinh thần lắng nghe và đối thoại trong sự cởi mở hướng tới điều khả thể tốt nhất. Cần có những điều kiện để người ta có thể đối thoại với nhau trong tình yêu và sự thật, nhưng lắng nghe thì không bao giờ có giới hạn. Người ta chỉ có thể sai lầm khi không lắng nghe đủ, chứ không bao giờ lắng nghe dư thừa. Tuy nhiên, chỉ có tinh thần mềm dẻo mới cho phép người ta làm được điều đó.

Tinh thần liên đới

Nói tới tinh thần liên đới người ta có khuynh hướng nghĩ tới sự mất cân bằng giữa hai chủ thể : người trên và người dưới, một người cần nhận và một người ban ơn. Kẻ ban ơn bao giờ cũng đứng trên người có nhu cầu nhận. Không có người ăn mày nào lại tự cho mình bằng kẻ bố thí và cũng không có đầy tớ nào lại có thể coi mình ngang hàng với chủ. Tinh thần liên đới vì thế được nhìn từ trên xuống.

Liên đới không đến cách đơn thuần vì nhu cầu của người thứ hai hay người thứ ba xa lạ đối với tôi. Liên đới là làm phần cùng với người khác qua sự gắn kết trong cùng một khối. Về vấn đề này triết gia người Pháp, Emmanuel Levinas, (1906-1995) viết : gương mặt của người anh em gợi lên hình ảnh của chính tôi. Đó có thể là gương mặt vui tươi đầy hy vọng, nhưng cũng có thể là gương mặt bị tổn thương, bị chà đạp hay bị rách nát. Tinh thần liên đới là tính chất nội tại của đời sống nhân loại.

Đồng hành, chứ không phải giảng thuyết

Trong thế giới hôm nay chúng ta có quá nhiều lời tuyên bố. Người ta cũng cảm thấy đầy ứ các bài giảng thuyết thuộc mọi lãnh vực. Thật sự, chúng có phần bổ ích cho người nghe. Tuy nhiên, con người cần được đồng hành nhiều hơn. Tiếng nói phải hòa điệu cùng với nhịp bước chân và nhịp đập trái tim của người song hành.

Ki-tô giáo, từ truyền thống Kinh Thánh, tìm thấy khuôn mẫu của Người đồng hành đích thực nơi Thiên Chúa. Ngài đi vào lịch sử nhân loại nơi chính đời sống con người. Thiên Chúa nói với ông Gia-cóp : “Này ta ở với người ; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều ta đã phán với ngươi” (St 28,15). Thiên Chúa không còn chỉ là con đường mà con người tìm kiếm, nhưng con người trở thành con đường mà nơi đó Ngài đặt bước chân. Lời hứa này của Thiên Chúa trong Cựu ước trở thành bằng xương bằng thịt nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể : Thiên Chúa cư ngụ giữa con người như lời của thánh Gio-an (x. Ga 1,14). Sau này Đức Giê-su nói với ông Tô-ma và các Tông đồ khác : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đó không phải là bài giảng siêu hình của Đức Giê-su, nhưng là lời khẳng định chắc chắn về việc Thiên Chúa đang ở cùng với con người : “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14,7).

Đồng hành là cuộc hành trình đi trong thời gian và không gian, cần có sức mạnh của sự kiên trì và lòng trung tín. Chính tư tưởng về sự “hoàn hảo”, “hiệu quả”, “thành công” và trong “ngắn hạn” làm cho con người thời đại đánh mất phẩm chất trên đây. Người ta đánh mất sự chịu đựng và lòng khao khát đi cho đến cùng để được nghe tiếng thì thầm của nhân loại.

Bài viết này nhằm vào ngày lễ thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su, tôi muốn ghi lại câu nói đầy biểu cảm và sâu lắng của Thánh nữ để kết thúc : “TRONG TRÁI TIM CỦA GIÁO HỘI LÀ MẸ CON SẼ MÃI LÀ TÌNH YÊU”.

Trần Văn Khuê