Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

DÂN THIÊN CHÚA

Đối với nhiều người, ít nhất là tín hữu thuộc Ki-tô giáo và Do-thái giáo, cụm từ “Dân Thiên Chúa” không mấy xa lạ. Bởi lẽ, nó gợi lại cách gọi mà Thiên Chúa nói với dân tộc Do-thái (Ít-ra-en) trong Cựu ước như “Đức Chúa phán với ông Mô-sê : "Hãy đến gặp Pha-ra-ô và nói với vua ấy : Đức Chúa phán thế này : Hãy thả dân Ta ra, để họ đi thờ phượng Ta” (Xh 7, 26), hay “Thiên Chúa anh em phán : Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40, 1)…. Từ truyền thống Cựu ước Ít-ra-en được gọi là dân tuyển chọn, dân riêng của Đức Chúa.

Với Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) – Hiến chế Tín lý về Giáo hội, của Công đồng Va-ti-ca-nô II, “Dân Thiên Chúa” là một trong số cách diễn nghĩa về Giáo hội : “thân thể Đức Ki-tô”, “thực tại hữu hình và thiêng liêng”…, nhằm nhấn mạnh tính năng động của đời sống và ơn gọi Ki-tô hữu.

Sự biến chuyển của thế giới và con người thời đại

Công đồng, trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng – Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay, ghi nhận những thay đổi mau lẹ và sâu đậm của thế giới nhờ trí óc thông minh và phát minh khoa học của con người. Cũng vậy, con người thời đại bị xâu xé từ nhận thức trái ngược : sự phát triển và hệ lụy của nó, chênh lệch giữa giàu có và nghèo đói, tự do phóng khoáng và hình thức nô lệ mới. Đó là vui mừng và hy vọng, lo lắng và ưu sầu của con người thời đại.

Sự biến đổi sâu rộng đến từ phát minh và phát triển khoa học. Tinh thần khoa học tạo nên lối suy tư mới so với trước kia. Kỹ thuật làm thay đổi cục diện địa cầu. Điều này tác động lên tâm lý con người muốn chinh phục cả không gian và thời gian.

Mặt khác, sự biến chuyển không chỉ đến từ phát minh và phát triển khoa học mà còn từ cơ cấu xã hội. Mô hình xã hội truyền thống bị thay đổi do việc đô thị hóa và được định hình theo “khuôn mẫu kỹ nghệ”. Biến chuyển này tác động lên cách suy nghĩ và cách tổ chức đời sống. Mối tương quan con người không còn chỉ được giới hạn trong phạm vi “làng xóm”, nhưng được “xã hội hóa” : mối liên hệ mới vượt ranh giới vùng miền không ngừng gia tăng.

Từ biến chuyển trong phạm vi khoa học và xã hội dẫn đến biến chuyển tâm lý, luân lý và tôn giáo. Người ta đặt lại vấn đề giá trị truyền thống : tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, thích hợp hay lỗi thời, lâu bền hay nhất thời…. Cũng vậy, nhiều người muốn đi ra khỏi thế giới niềm tin vì khoa học.

Ngoài ra, Công đồng còn ghi nhận vấn nạn sâu xa của nhân loại. Nhiều người mãn nguyện với phát triển mới trong lãnh vực khoa học – kỹ thuật và xã hội và đánh mất ý thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống hôm nay và mai hậu.

Giáo hội trong lòng thế giới

Công đồng phác họa bức tranh thế giới qua ghi nhận các chuyển biến mới của thế giới nhiều lúc vượt khỏi khung cảnh truyền thống. Trong lòng thế giới này Giáo Hội hiện hữu như người đồng hành và chia sẻ. Từ lời mở đầu của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng Công đồng viết : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thật vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được quy tụ trong Chúa Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc hành trình về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi đem tới cho mỗi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại” (số 1).

Giáo hội sống Tin Mừng là thực thể liên đới và làm phần cùng với toàn thể nhân loại : sống vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người thời đại. Sống liên hệ mất thiết với con người là đời sống của Giáo hội. Đời sống này xuất phát từ công trình tạo dựng, mầu nhiệm Nhập thể, cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô. Tin Mừng cho chúng ta biết Thiên Chúa đi vào đời sống con người và nhân loại cách sâu xa qua cuộc sống con người nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Sứ mạng của dân Thiên Chúa

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng vừa cho chúng ta biết Giáo hội sống Tin Mừng là thực thể liên đới và làm phần cùng với toàn thể nhân loại. Nhưng Giáo hội đó là gì ?

Giáo hội là dân Thiên Chúa biểu lộ hai đặc tính căn bản như Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) xác định : “Dân thiên sai” và “thân thể Đức Ki-tô”. Là “dân thiên sai”, “Giáo hội đi sâu vào lịch sử nhân loại” (LG, 9), và là “thân thể Đức Ki-tô” Giáo hội được mời gọi sống hiệp thông : “Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể ; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cor 12,12)". Hai hình ảnh này của dân Thiên Chúa nói về sức sống và tính năng động của ơn gọi Ki-tô hữu. Trong việc xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô và trong đời sống dân Thiên Chúa, các tín hữu tham dự vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội qua chính ơn gọi Ki-tô hữu.

Phẩm trật Giáo hội không thể làm giảm tính năng động của mọi thành phần dân Thiên Chúa, đặc biệt là giáo dân, vì bất cứ lý do gì. Công đồng Va-ti-ca-nô II đã ý thức về điều này trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân (Apostolicam actuositatem) :

“Thánh Công đồng muốn phát động mạnh mẽ hơn việc tông đồ của dân Thiên Chúa , nên chú tâm hướng về các Ki-tô hữu giáo dân, những người có phần riêng biệt và cần thiết trong sứ mệnh của Giáo hội, như đã được nhắc đến trong những văn kiện khác. Bởi vì, vốn phát sinh từ ơn gọi làm Ki-tô hữu, việc tông đồ giáo dân không bao giờ có thể khiếm khuyết trong Giáo hội. Trong những buổi đầu Giáo hội, việc tông đồ này thật là hăng say và kết quả biết bao ! Chính Thánh Kinh chứng minh cách phong phú điều đó (x. Cv 11, 19-21; 18, 26; Rm 16,1-16 ; Ph 4, 3).
Thời đại chúng ta đòi hỏi người giáo dân phải nhiệt thành không kém, nhất là những hoàn cảnh hiện tại càng đòi hỏi việc tông đồ của họ phải hoàn toàn mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Quả vậy, càng ngày dân số càng gia tăng, khoa học và kỹ thuật càng tiến triển, những mối tương quan mật thiết hơn giữa con người không những mở rộng môi trường hoạt động tông đồ giáo dân đến vô hạn, môi trường mà phần lớn chỉ dành riêng cho họ, mà còn tạo nên nhiều vấn đề mới đòi họ phải đặc biệt lưu tâm học hỏi. Việc tông đồ này lại càng trở nên khẩn trương hơn, vì sự biệt lập trên nhiều phương diện của cuộc sống con người như thường thấy, càng gia tăng, đôi khi gây nên một sự tách biệt với trật tự luân lý và tôn giáo, cũng như tạo ra một sự nguy hiểm trầm trọng cho đời sống Ki-tô giáo. Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác.” (số 1).

Lời mở đầu của Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân trên đây cho chúng ta thấy sứ mạng hoạt động tông đồ giáo dân thuộc căn tính, được sinh ra từ bí tích Rửa tội, trong cùng “Dân Thiên Chúa”. Trở thành Ki-tô hữu là tham dự vào việc loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Ki-tô đã khởi sự. Quả vậy, sức sống của Giáo hội là sức sống của dân Thiên Chúa.

Bản chất ơn gọi Ki-tô hữu

Theo các chuyên gia về Công đồng, cấu trúc của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội chỉ cho chúng ta đâu là điểm thiết yếu của đời sống Giáo hội. Sau khi nói về “Mầu nhiệm của Giáo hội” (chương I), Hiến chế trình bày các phần : “Dân Thiên Chúa” (chương II), “Tổ chức phẩm trật Giáo hội” và “Giáo dân” trong nhiệm thể Chúa Ki-tô. Tính chất đặc thù của giáo dân là thực thi “phận vụ riêng của mình”, nhưng họ “thực hiện sứ mệnh của toàn dân Ki-tô giáo trong Giáo hội và trên trần gian”. Đặc biệt, tất cả được mời gọi nên thánh, được trình bày trong chương trọng tâm (chương V).

Công đồng viết :

“Chúa Giê-su, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc lảnh vực nào, đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất : "Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời" (Mt 5,48). Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12, 30), và yêu thương nhau như Chúa Ki-tô yêu thương họ (x. Ga 13, 34; 15, 12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giê-su, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Ki-tô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh” (Số 40).

Cứu cánh của đời sống Ki-tô hữu là “trở nên thánh”, chứ không phải để thực hiện một số mô hình hoạt động khác nhau cách thành công, cho dù các hoạt động này cần thiết. Nhưng nên thánh là gì ? Đó lại là câu hỏi lớn khác. Câu trả lời chắc chắn là chúng ta không thể tự đưa ra bất cứ khung “thánh thiện” nào và việc nên thánh cũng không tùy thuộc ở phẩm chất cá nhân. Những gì được gọi là thánh chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, vì “chỉ có Ngài là Đấng Thánh” và nhờ lòng thương xót của Ngài mà con người được ơn cứu độ. Trở nên thánh là đi trên con đường muốn trở nên gần Thiên Chúa hơn, được thể hiện trong việc lựa chọn sống các hình thức Tin Mừng. Trở nên gần Thiên Chúa trong mối tương quan “Giao ước”, chứ không phải bằng Ngài. Đọc lại lịch sử Ki-tô giáo, chúng ta thấy các Ki-tô hữu chọn “mô hình lý tưởng” khác nhau theo từng thời kỳ. Sách Công vụ Tông đồ trình thuật lại việc các Ki-tô hữu tiên khởi sống Tin Mừng như thế nào : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. […]. Các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí với nhau, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến.” (Cv 2, 42 ; 44-47) Đó là “mô hình lý tưởng” của đời sống Ki-tô hữu đối với tín hữu tiên khởi. Đến thời kỳ bách hại, sau thời kỳ các Tông đồ, gương tử đạo trở thành dấu chỉ của sự trung tín hoàn hảo trong đời sống đức tin. Rồi trong thời kỳ mà Ki-tô giáo trở thành “quốc giáo”, các Ki-tô hữu được nhiều “đặc quyền đặc lợi”, đời sống đức tin của nhiều tín hữu trở nên nhạt nhòa, các đan sĩ và tu sĩ trở thành gương mẫu cho đời sống Ki-tô trung thành. Đến hôm nay, những gương mặt Ki-tô hữu khác trở thành biểu tượng của đời sống đức tin sâu xa : hy sinh mạng sống vì bạn tù, sống trọn vẹn với người nghèo, biểu lộ tiếng nói của công lý và hòa bình…. Thật vậy, các gương mẫu đức tin “thánh thiện” nơi đời sống của Giáo hội phong phú và đa dạng.

Tóm lại

Dân Thiên Chúa nói cho chúng ta về viễn cảnh mà sách Khải Huyền của thánh Gio-an loan báo : “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7, 9). Đây là hình ảnh Nước Thiên Chúa, nơi đó các công dân là “những người đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 9) : họ đã để cho Lời Chúa biến đổi cuộc đời và tình yêu của Ngài lôi cuốn.

Trần Văn Khuê, aa



Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

NGƯỜI NGHÈO CỦA CHÚA

Ngay từ lúc lên ngôi giáo hoàng, Đức Phan-xi-cô xác định Giáo hội ưu tiên cho người nghèo và theo đuổi con đường xây dựng Giáo hội sống tinh thần nghèo khó. Lời công bố này được đón nhận cách rộng rãi trên toàn thế giới, không chỉ trong lòng Giáo hội mà còn nơi nhiều người khác. Thực ra, xác tín này không phải là điều gì mới mẻ, vì từ bản chất Giáo hội được gọi và sai đi đến với người nghèo. Nếu như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô hôm nay minh định lại sứ mạng này, đó bởi vì ngài muốn Giáo hội biểu lộ sự trung tín lớn hơn với Đấng là đầu – Đức Giê-su Ki-tô, và mặt khác, phần nào cho chúng ta hiểu con đường mà Giáo hội tiếp tục bước đi giữa lòng thế giới hôm nay là cuộc chiến đấu cam go.

“Tinh thần nghèo khó” và câu hỏi mang tính đa chiều

Nơi bài “Tám Mối Phúc Thật”, nằm trong loạt bài giảng trên núi – khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su giảng dạy dân chúng : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1). Sự khai mở Nước Trời bắt đầu từ giáo huấn của Đức Giê-su nằm ở tinh thần “Tám Mối Phúc” và sống “tinh thần nghèo khó” là một trong những điểm nền tảng. Tuy nhiên, “tinh thần nghèo khó” hay “sống nghèo khó” là gì ? Đó vẫn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Câu hỏi này trở thành thách đố đối với đời sống Giáo hội.

Thách đố này đến từ cách diễn giải tình thần “Tám Mối Phúc Thật” trong việc sống liên đới với người nghèo. Diễn giải nhiều lúc dẫn đến nhầm lẫn.

Sự nhầm lẫn thường thấy trước hết là Giáo hội được xem như “cơ quan phân phát của cải” cho người nghèo. Trong lúc đó, dù sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc các Tông đồ và tín hữu tiên khởi sống chia sẻ của cải vật chất với nhau và với người nghèo thì Giáo hội chưa bao giờ đặt mình ở vị thế của “tổ chức từ thiện”. Luôn nỗ lực sống trung thành với tinh thần Tin Mừng : “tinh thần nghèo khó” và liên đới với người nghèo, nhưng Giáo hội lại phải nhìn nhận không thể trả lời hết các câu hỏi và đáp trả mọi hoàn cảnh nghèo đói của nhiều người.

Sự nhầm lẫn tiếp theo liên quan đến việc sống “tinh thần nghèo khó” là Giáo hội được nhìn như thành phần cổ võ cho “tình trạng nghèo đói”. Trong lúc thế giới đang nỗ lực đẩy lùi sự nghèo đói, Giáo hội sống “tinh thần nghèo khó” có ý nghĩa gì trong việc thăng tiến đời sống con người và xã hội ?

Người nghèo trong Kinh Thánh

Chúng ta không thể nói hết và thấu đáo về vấn đề người nghèo được trình bày trong Kinh Thánh ở đây. Nó cần được trình bày cách hệ thống hơn trong các nghiên cứu khác. Bởi lẽ, theo các truyền thống Kinh Thánh khác nhau, từ phần Cựu ước đến Tân ước, người nghèo được nhìn từ những khía cạnh đa dạng : “người nghèo được chúc phúc” trong truyền thống “Tư tế”, người nghèo là thành phần được bảo vệ trước tiên trong truyền thống “Đệ nhị luật” và “Giao ước”, người nghèo là đối tượng rao giảng trong truyền thống “ngôn sứ”….

Tuy nhiên, một cách bao quát, chúng ta thường thấy các gương mặt tiêu biểu của người nghèo được Kinh Thánh nói đến : người ngoại kiều, cô nhi quả phụ, người nô lệ, người đau yếu bệnh tật. Dù họ không cùng cấp bậc và hoàn cảnh, nhưng họ là biểu tượng cho con người không được đảm bảo về “quyền cơ bản” và bị đẩy xuống hàng sau cùng của xã hội. Họ là người không được trân trọng, và thậm chí hơn thế nữa là thành phần bị xua đuổi và xa lánh trong cộng đồng xã hội.  

Quả thật, những trang Tin Mừng trình thuật về sứ mạng rao giảng Nước Trời của Đức Giê-su ghi lại “lời ban sự sống” của Thiên Chúa cho con người. Đức Giê-su đến nói cho con người biết vị thế làm con Thiên Chúa và phục hồi phẩm giá cho con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.

“Người nghèo đích thật” theo thánh Âu-gus-ti-nô

Ai là người nghèo, hay người nghèo đó là ai ? Trong bài giảng Chúa nhật ở Carthage (Sermon XIV), thánh Âu-gus-ti-nô đưa ra câu trả lời cho những tranh chấp giữa người nghèo và người giàu về việc ai là người xứng đáng được hưởng Nước Trời. Sự tranh chấp này đến từ nhận thức khác nhau về người nghèo và người giàu.

Có nhiều người nghèo cho rằng mình mới là người được hưởng Nước Trời vì giống La-da-rô trong Tin Mừng. Âu-gus-ti-nô thuật lại câu chuyện : « Một kẻ ăn mày yếu ớt, áo quần rách rưới, đang chết đói, đến nói với tôi : tôi phải được vào Nước trời, vì tôi giống La-da-rô, người đầy mụn nhọt ngồi ở cổng nhà người giàu […]. Chính những người như chúng tôi phải được vào Nước Trời, chứ không phải người ăn mặc lụa là và ngày ngày sống trong sự giàu sang ».

Âu-gus-ti-nô ghi nhận trong ngôn ngữ thông thường người ta hiểu sự giàu có đối nghịch với nghèo khó. Nhưng đó không phải là sự giàu có và nghèo khó mà Kinh Thánh nói đến. Người nghèo đích thật – người nghèo của Chúa không hẳn là người « không đồng xu dính túi », « không có của cải », mà là người khiêm tốn và biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Bởi lẽ, Âu-gus-ti-nô nói tiếp : « Kẻ nào vừa nghèo vừa kiêu ngạo thì thật đáng sợ ». Người giàu chính là kẻ tự kiêu.

Nói về sự nghèo khó, Âu-gus-ti-nô viết : « Hãy đọc, hoặc, nếu anh không biết đọc, hãy lắng nghe, khi người ta đọc, đoạn mà ngươi thấy Áp-ra-ham hết sức giàu trong thế gian này, giàu vàng, bạc, gia nhân, súc vật, đất đai (St 23, 2). Tuy nhiên, người giàu này lại nghèo, bởi vì ông khiêm tốn. “Áp-ra-ham tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.” (St 15, 6) Ông đã tìm thấy sự công chính hóa trong ân sủng, không phải trong cảm xúc suy đoán cá nhân. Ông trung thành, miệt mài với điều thiện ; ông nhận được lệnh hiến tế người con ; không do dự, ông hiến dâng những gì ông đã nhận từ Đấng ban cho ông. Đức Chúa, chuẩn nhận, làm cho ông trở thành gương mẫu đức tin. Đức Chúa đã biết ông, nhưng Ngài phải chỉ cho chúng ta biết ông ; những việc làm tốt của Áp-ra-ham không làm cho ông kiêu ngạo : người giàu đó thực sự nghèo. Ông hoàn toàn không viện cớ những việc làm tốt để tự kiêu (trong sự tin chắc rằng tất cả những gì ông có đến từ Đức Chúa, vì thế ông không tự tôn vinh nơi mình, nhưng trong Chúa). »

Tiếp theo trong bài giảng, Âu-gus-ti-nô nói về ông Gióp : “Gióp nói, thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi [xin chúc tụng danh Đức Chúa]” (Job 1, 21). […]. Đây là một loại người nghèo khác : “Chúng ta không mang gì vào trong thế gian này và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy theo gì. Như vậy, nếu chúng ta có gì để nuôi và che thân, hãy vui mừng về điều đó.” Ai muốn trở nên giàu rơi vào trong chước cám dỗ, trong cái bẩy, trong sự thèm muốn điên rồ. Nó dìm con người trong sự sụp đổ và sa đọa ; bởi vì nguồn gốc của điều dữ là lòng yêu mến tiền bạc, và một số, để miệt mài tìm kiếm trong đó đã xa rời đức tin và gây nên nhiều sự đau khổ ».

Cuối cùng, Âu-gus-ti-nô chỉ cho các tín hữu đâu là « Người nghèo đích thật » của mọi người nghèo : « Hãy ngắm xem Người, Đấng giàu có của chúng ta, vì chúng ta mà đã trở nên nghèo khó, Người hoàn toàn giàu có : anh chị em hãy chiêm ngắm Đấng giàu có này : “Tất cả được dựng nên bởi Người và không gì được tạo thành mà không do Người” : Đấng làm ra vàng lớn hơn người thủ đắc vàng. Anh giàu có về vàng, bạc, gia nhân, ruộng vườn, súc vật. Anh đã không thể tạo nên những thứ đó. Hãy nhìn xem Đấng giàu có : Tất cả được dựng nên bởi Người. Bây giờ hãy chiêm ngắm Đấng nghèo khó : “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1, 3-14)”.

Tóm lại :

Người nghèo của Chúa không hẳn là người không có của cải, người nghèo vật chất. Sống “tinh thần nghèo khó” không phải là khước từ của cải, nhưng là trở nên khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Người nghèo của Chúa chính là người sống khiêm hạ. Mặt khác, Kinh Thánh cho thấy lời mời gọi sống liên đới với người nghèo là con đường chống lại sự nghèo đói ; đó là thứ nghèo đói hủy hoại phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và tách con người ra khỏi Đấng tạo hóa.

Trần Văn Khuê, aa