Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ


Nói về tình huynh đệ Ki-tô giáo (đời sống huynh đệ trong truyền thống Ki-tô giáo được đặt trên nền tảng Kinh Thánh), tôi đã có dịp tóm lược trình bày của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong cuốn sách của Ngài : “Tình huynh đệ Ki-tô giáo” (http://saokhue-saokhue.blogspot.fr/2012/02/tinh-huynh-e-ki-to-giao.html). Hôm nay tôi muốn trở lại đề tài này nhân “thông điệp” (lời đầu tiên) của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô gửi tới khách hành hương và thế giới tối ngày 13 tháng 03 vừa qua tại quảng trường thánh Phê-rô :  “Con đường của Giáo Hội tại Rô-ma cũng là con đường của Giáo Hội tại mọi miền trên toàn thế giới trong tình bác bái. Con đường huynh đệ, tình yêu và sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới đạt tới tình huynh đệ lớn lao.”

Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô sau đó đã chú thích ý nghĩa của hạn từ “huynh đệ” với Hồng Y đoàn. Tình huynh đệ không phải là “sự bình đẳng”, nhưng là “sự hài hòa” nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn trong “sự giản dị” và “tiết độ”. Ý tưởng này bộc lộ cách trung thực tinh thần phan sinh (của thánh Phan-xi-cô, thành Át-xi-di), nhưng đồng thời hàm ý sự khác biệt căn bản với tư tưởng Mác-xít mà Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã trình bày :

Trước khi đề cập tới ý tưởng về tình huynh đệ trong chủ nghĩa Mác, chúng ta cần nhắc tới phong trào Ánh Sáng, được đánh dấu bởi cách mạng Pháp, là tiền đề cho phong trào cộng sản. Cách mạng Pháp đã khai sinh cho nước Pháp câu tuyên ngôn chung : tự do, bình đẳng, huynh đệ. Tuyên ngôn ngày xác định tình huynh đệ đồng quyền chính trị. Thật vậy, thiết lập lại quyền bình đẳng tự nhiên giữa tất cả mọi người là nguồn gốc của tình huynh đệ mà Cách mạng pháp nhắm tới.

Tư tưởng này làm tiền đề cho ý tưởng Mác-xít về tình huynh đệ mà từ “đồng chí” là biểu tượng. Tuy nhiên, chúng ta biết, trong tư tưởng Mác-xít, ý tưởng về Thiên Chúa như người Cha chung bị biến mất ; đồng thời ý tưởng về một nhân loại chung cũng mất tầm quan trọng. Tại sao vậy ?

Chúng ta thường lầm tưởng chủ nghĩa cộng sản đem lại một thế giới đại đồng. Ý thức hệ cộng sản thực sự lại không phải như vậy. Nếu như phong trào Ánh Sáng muốn xóa bỏ ranh giới của sự khác biệt, trong tư tưởng Mác-xít nhân loại lại được chia ra thành hai nhóm hoàn toàn đối chọi nhau: giai cấp tư bản giai cấp vô sản. Điều này đặt thế giới vào hai thái cực khác nhau và chống lại nhau : một sự phân rẽ trong cùng nhân loại, một cuộc đấu tranh sinh tồn. Hệ quả là nó không thể đối xử với tất cả mọi người như anh em, nhưng chỉ với một số. Những người khác là địch !

Tại sao phải thực hiện con đường “huynh đệ” trong thế giới hôm nay trong cái nhìn về đời sống “hài hòa” mang tính “giản dị” và “tiết độ” ?

Đời sống huynh đệ không thể là ý tưởng thuần túy, hay hơn thế nữa thuộc phạm trù chủ thuyết không tưởng. Nó là cuộc sống trong đó yếu tính “giản dị” và “tiết độ” là căn bản. Tình huynh đệ được diễn đạt trong tính “giản dị” và “tiết độ” nơi đời sống qua các mối tương quan khác nhau : với con người và với vũ trụ. Nó không là sự trừu tượng, nhưng là sự cảm nhận bằng kinh nghiệm hiện sinh : giản dị và tiết độ trong cách sống, trong tiếp xúc, trong hoạch định và tổ chức đời sống, trong đời sống chung….

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật người ta đang thành công xây dựng thế giới vô hình lớn hơn nhiều so với thế giới thực. Người ta có thể liên hệ, liên lạc với người khác mà không cần biết họ đang ở đâu và không cần hiểu cảm xúc của họ như thế nào hay họ đang suy nghĩ gì. Điều nghịch lý là kỹ thuật, một mặt, có thể đơn giản hóa con đường “liên hệ” ; tuy nhiên, mặt khác, nó lại không thể hiện thực hóa mối tương quan gần gũi, không chỉ trong ý tưởng nhưng trong đời sống chung.

Đời sống huynh đệ mang tính “giản dị” và “tiết độ” thực tại hóa thế giới trong đó con người có thể chia sẻ với nhau cách chân thành, không “mưu lược”, không tính toán (toan tính). Quá “mưu lược”, quá “toan tính”, đời sống huynh đệ không còn chỗ đứng. Thay vào đó, “chiến lược”, “mưu mô” và tư tưởng quyền lực thống trị con người : con người có nguy cơ là nô lệ của chính nó !

Trần Văn Khuê, aa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét