Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU


Khi nói về người môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta – Ki-tô hữu, liên tưởng ngay tới những công việc mà người môn đệ này đảm nhận và thực hiện trong đời sống bước theo Người. Tuy nhiên, danh xưng người môn đệ lại không hệ tại ở công việc, nhưng chính là ở đời sống – đời sống trong Thiên Chúa.

Bạn sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi : công việc hay đời sống cũng là một đó thôi ? Có thể bạn có lý : đời sống bao hàm công việc và công việc cũng là đời sống. Tuy nhiên, hai cách tiếp cận vấn đề lại hoàn toàn khác nhau. Công việc là cách diễn đạt đời sống ; vì nó là cách diễn đạt, nên nó có thể khiếm khuyết và hạn chế do yếu tố khách quan hay chủ quan. Chính vì thế, công việc diễn đạt đời sống, nhưng không hẳn nói lên hết tất cả cuộc sống.

Chúng ta nhận thấy con người và sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu – cuộc sống của Người, không thể chỉ được giới hạn trong khoảng ba năm rao giảng Tin Mừng – hoạt động (công việc), ngay cả đó là công việc kỳ diệu : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tần phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (x. Lc 4,18-19). Ba năm hoạt động, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là sự nối tiếp toàn bộ công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu là sự nhập thể và nhập thế của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng của Ngài : tạo dựng không còn là thực thể xa lạ, nhưng được Thiên Chúa nhập thể và “cư ngụ”. Chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Giêsu trong toàn bộ chương trình tạo dựng này để hiểu danh tính đích thực của Người.

Hơn nữa, Chúa Giêsu đến với con người không như con người duy hành động, nhưng là Người luôn sống mật thiết với Thiên Chúa Cha. Thánh sử Luca trình thuật : ngay sau khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu bắt đầu cầu nguyện, và lúc đó “trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Lc 3,21). Chúa Giêsu đã vén bức màn cho con người thấy đồng thời nhân tính và thiên tính của Người trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha. 

Cả ba thánh sử (Mátthêu, Luca, Máccô) đều trình thuật sau biến cố nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả tại sống Giođan, Chúa Giêsu đi vào sa mạc và chịu ma quỷ cám dỗ (Mt 4,1-11 ; Lc 4, 1-13 ; Mc 1, 12-13). Có lẽ chúng ta khó mường tượng khung cảnh sa mạc mà nơi đó Chúa Giêsu nhịn ăn uống trong bốn mươi đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ như thế nào. Nhưng đó là hình ảnh của thế giới mà kể từ đây – bắt đầu sứ mạng công khai, Chúa Giêsu đi vào với tư cách con người để sống cuộc chiến đấu thiêng liêng : những nhu cầu tức thời, quyền lực và thần tượng. Chúa Giêsu sẽ không thể thoát khỏi những cám dỗ này nếu như đã không sống với Thiên Chúa Cha.

Đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu là đời sống chiêm ngắm khía cạnh nhân tính con người Giêsu đã được nuôi dưỡng bằng mối tương quan với Thiên Chúa Cha như thế nào. Như thế chúng ta sẽ nhận thấy Con Người này đã không giảng dạy dân chúng bằng những “giáo lý trống rỗng”, nhưng thực sự bằng những gì Người đã sống, được thúc đẩy bởi Thiên Chúa Cha và Thánh Thần của Người.

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

PHÁP LỆNH TÔN GIÁO HAY MOOLAADÉ ?


Bộ phim Moolaadé của đạo diễn Ousmane Sembène, người Sê-nê-gal, nhận được giải thưởng “Un Certain Regard” của Liên Hoan Phim Cannes năm 2004 (Giải thưởng vinh danh các bộ phim có cái nhìn khác, “không điển hình”, ít được nhiều người biết đến).


Câu chuyện diễn ra tại một làng quê ở Burkina Faso, xoay quanh tập tục “thanh tẩy” các bé gái – được thực hành tại một số vùng ở châu Phi, bằng cách cắt bỏ một phần âm đạo (để gọi là đã được thanh tẩy). Collé Ardo – người vợ hai của một nông dân giàu có trong làng, là nhân vật tiêu biểu, kiên cường, khởi xướng phong trào kháng cự lại tập tục “thanh tẩy” này vì bà không muốn sự rủi ro đến với con gái duy nhất còn lại là Amsatou, sắp cưới Konaté từ Paris trở về - con trai của trưởng làng Dugutigi.

Những tình tiết và hình ảnh trong Moolaadé diễn tả cách sống động và bi thương tiếng kêu đau đớn của những bé gái qua việc “thanh tẩy”, tiếng gào thét ai oán của bà mẹ mất con vì việc thực hành tập tục “thanh tẩy” (bị chết trong lúc được “thanh tẩy”), gương mặt vô hồn của những mụ già chủ trì nghi thức “thanh tẩy’, quyền uy vô liêm sĩ của các “già làng”, các “bậc lão thành” trong làng áp đặt cái tập tục này bằng mọi giá.

Tôi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 cách kỹ lưỡng, được Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, ký, có hiệu lực từ ngày 01-01-2013, mà không thể thoát khỏi những hình ảnh trong bộ phim Moolaadé. Tôi không hiểu những quy định (có tính chất luật pháp) trong “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” này có mục đích gì ? Các quy định chi tiết cho đến độ như[1] : “Người phụ trách cơ sở tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký người vào tu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tôn giáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận người vào tu. Hồ sơ gồm : (a) : Danh sách người vào tu ; (b) : Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nơi người vào tu có hộ khẩu thường trú ; (c) : Ý kiến bằng văn bản của cha mẹ hoặc người dám hộ (với người chưa thành niên vào tu)” (Điều 27 ; Hết trích).

Bất cứ ai có chút kiến thức cơ bản tối thiểu về con người hẳn hiểu điều này : con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong các dạng thức khác nhau là con đường thâm sâu nhất nơi mỗi người mà người ta không thể và cần phải “khai báo” cho bất cứ ai, ngay cả cho người thân như cha mẹ mình. Con người có khả năng tri thức không ngừng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, nhưng không hẳn bắt gặp nó trong một ngày hay hai ngày, nơi cơ sở này hay cơ sở kia. Việc tìm kiếm này không giống như đi tìm công việc, nơi ở hay vị trí xã hội. Đó là đi tìm sự khôn ngoan suốt cả hành trình dài. Chỉ có ai ý thức nơi mình có phần nhân tính siêu việt mới có thể hiểu điều này. Tu trì là một trong những con đường mà nhiều người mượn để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự khôn ngoan vươn tới sự siêu việt. Cơ sở tu trì hoàn toàn không phải là sở hành chánh, cũng không phải là nơi mà người ta có thể áp đặt những “tập tục” thông thường - nhiều lúc trở thành phi nhân, vì đó là cuộc sống như cuộc sống của Collé Ardo và Amsatou.

Một hình ảnh khác cũng đến với tôi khi đọc “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” 2013 : Người Pháp biểu tình chống lại dự luật “hôn nhân cho tất cả mọi người” (marriage pour tous – hôn nhân cho người đồng tính) cuối tuần qua (17/11/2012). Trên 100,000 người đã xuống đường biểu tình chống lại dự luật. Con số này chắc chắn đòi buộc Chính phủ của Tổng thống Francois Holland trong thời gian tới phải có các cuộc tranh luận công chúng về dự luật mới (điều mà những người chống dự luật này đòi hỏi).

“Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” - cả hình thức lẫn nội dung mang tính “pháp luật” liên quan tới một bộ phận dân chúng quan trọng, lại chỉ được “tạo” ra mà không ai hay biết (người dân) và được giửi cho một số cơ quan Nhà nước (để thi hành). Đọc hết phần nội dung “Pháp lệnh” này tới phần “nơi tiếp nhận”, tôi rà mãi vẫn không thấy bất cứ tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nào nhận được “Pháp lệnh”, dù nó liên quan cách trực tiếp tới đời sống của các tổ chức này ?!

Tôi trở lại với bộ phim Moolaadé. Nhằm khống chế thành phần phụ nữ “nổi loạn” như Collé Ardo và nhân danh quyền bính và vai trò của “bậc lão thành”, “già làng” để áp đặt tập tục “thanh tẩy”, người ta đã cưỡng đoạt tất cả những gì có nơi họ : quyền được bảo vệ đời sống, quyền được nghe nói, quyền được chọn lựa cách sống (không theo tập tục “thanh tẩy”). Hình ảnh của khu dân cư nghèo nàn tại một làng quê ở Burkina Faso càng trở nên bi thảm hơn khi bóng ma của những người tự cho mình cái vị thế đỉnh cao của truyền thống, của “trí tuệ” đè nặng. Nhưng, xét cho cùng, chính con người này lại đáng thương hại hơn hết : họ không thể tự mình vượt qua “ảo tưởng” và cũng không thể giúp kẻ khác hướng tới chân trời mới !

Trần Văn Khuê, aa




[1] Có nhiều chi tiết khó hiểu trong “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”. Tôi chỉ trích một trong số đó làm ví dụ  điển hình cho bài viết này.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

CÁI CHẾT


Đã là con người thì ai cũng phải chết ! Hẳn chúng ta không cần trở lại với luận bàn về chân lý này ở chiều kích nhân học, triết học.... Cái chết nhẹ như cánh tơ hồng, đó là kinh nghiệm của con người hiện sinh. Nó nhẹ nhàng ra đi bất chấp mọi thứ ngăn cản : tình yêu, gia đình, người thân và cả sự cứu trợ của y khoa.

Cái chết còn nhẹ nhàng hơn trong tư tưởng Ki-tô giáo : cái chết là ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết (x. 1Cr 15), và sự sống đời đời của con người là : “họ nhận biết [Thiên Chúa] Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật và nhận biết Đấng mà Cha đã sai đến là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống và niềm tin vào Ngài làm phát sinh niềm hy vọng nơi người Ki-tô hữu trên hành trình đi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Cái chết không còn là sự hủy diệt gây thất vọng đối với họ.

Tuy nhiên, có những cái chết trong thời đại chúng ta dằn vặt lương tâm người lương thiện và thậm chí gây phẫn nộ. Đó chính là cái chết không có lời giải thích, cái chết mờ ám, cái chết được xem như không có gì xảy ra (nó chẳng có giá trị gì dưới cái nhìn của thủ phạm).

Cái chết này thường do sự mơ hồ về cuộc sống : ý nghĩa đời sống chân thật không được nhận biết, hoặc được “định hướng” một cách lệch lạc (tri thức, đạo đức).

Sự mơ hồ về cuộc sống rất gần gũi với cuồng tín ý thức hệ : sự nhận biết thiếu chân thật. Con đường từ sự mơ hồ tới cuồng tín giáo điều là con đường ngắn nhất dưới sự đạo diễn thâm sâu của chủ nhân độc quyền sân tuồng chính trị quyền lực bỉ ổi.

Sự mơ hồ về cuộc sống và cuồng tín giáo điều là thủ phạm gây nên những cái chết không thể có. Đó là cái chết của những người vô tội bị kết án. Những bản án giành cho họ nhẹ nhàng hơn cánh tơ hồng của cái chết.

Cái chết này chất vấn lương tâm nhân loại !

Trần Văn Khuê, aa

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

GƯƠNG MẶT KHÁC CỦA NGHÈO ĐÓI


Theo Hội cứu trợ Công giáo Pháp (Secours catholique), được đăng trên tờ nhật báo Công giáo La Croix, ngày 8 tháng 11, mức độ gia tăng nghèo đói “thường do thiếu mối tương quan con người”. Ghi nhận này được thực hiện trong phạm vi hoạt động của Hội cứu trợ Công giáo Pháp (thực tiễn, chứ không phải lý thuyết), nhưng đây chính là mấu chốt để giải thích sự nghèo đói trong thế giới hôm nay.

Giáo hội Công giáo đã nhiều lần khẳng định : thế giới hôm nay không thiếu của cải vật chất, nhưng thiếu tính hợp lý trong việc phân chia tài sản chung và sự liên đới giữa con người với nhau. Người ta muốn sở hữu hơn là chia sẻ, toan tính hơn là vô vị lợi, hưởng thụ nhiều hơn nữa hơn là tiết độ… Có điều trào lưu xã hội hôm nay đang đưa con người đi theo hướng này.

Nghèo đói vì “thiếu mối tương quan con người” là do tư tưởng đặt giá trị thượng thặng đối với vật chất (hiện tượng xã hội) : mọi giá trị đều quy về giá trị vật chất. Những người nghèo, những nước nghèo không được đánh giá ngang hàng với những người và nước khác (giàu hơn), cũng như không được lắng nghe và đón nhận như những người và nước khác (thực tế trong các mối quan hệ và thương thảo). Xem chừng “chủ thuyết duy vật chất” và “chủ nghĩa xã hội” không thể song hành với nhau, cho dù người ta muốn gom chúng lại trong cùng một tư tưởng chính trị.

Nghèo đói do “thiếu mối tương quan con người” là thứ nghèo đói nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chúng ta cũng có thể nói theo cách khác, nghèo đói – do “thiếu mối tương quan con người” xuất phát từ sự nghèo nàn nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chúng ta thường nghe nói : “Bần cùng (nghèo vật chất) sinh đạo tặc”, nhưng cái nghèo “tinh thần” lại làm cho con người trở nên “bần cùng” gấp bội. Nhiều người nghèo vật chất nhưng lại giàu về đời sống nhân bản, tinh thần, văn hóa và tri thức. Chính cái nghèo, nhưng giàu này là nền tảng của xã hội.

Trần Văn Khuê, aa