Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

GIẤC MƠ

Mục sư Martin Luther King có một câu nói nổi tiếng : “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) trong bài diễn văn cùng tên được đọc tại Đài tưởng niệm Lincoln vào ngày 26 tháng 08 năm 1963. Ông mơ về một nước Mỹ mà nơi đó người da trắng và da đen có thể sống chung hòa hợp và bình đẳng với nhau.
Câu nói và bài diễn văn này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh không biết mệt mỏi, sợ hãi và không khoan nhượng của Martin Luther King. Ông dấn thân cho “giấc mơ” này với niềm xác tín mãnh liệt : vì nó là giá trị nhân văn và là một trong những yếu tố làm nên phẩm giá con người. Hôm nay nhiều người biết tới ông với danh ngôn nổi tiếng này cũng như với cuộc đời dấn thân cho giấc mơ của ông. Quả thật, giấc mơ này đã vượt khỏi phạm vi cá nhân của Martin Luther King để trở thành giấc mơ của nước Mỹ và của toàn nhân loại qua mọi thời.
“I have a dream” không phải là một thứ giấc mơ thần tiên, lãng mạn và siêu thực, nhưng là một giấc mơ đi từ một thực tại nhân sinh. Nó xuất phát từ kinh nghiệm về những gì xâu xé con người : quyền lực, sự phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội. Giấc mơ không chỉ mang tính thi ca mà còn là một cuộc sống chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau : hoan hỷ, sầu não, ai oán, cùng cực ….  
“I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) xem chừng như rất đơn giản nhưng nhân loại cho tới hôm nay lại còn phải nhọc nhằn từng bước lê trên con đường tới “giấc mơ”. “I have a dream” hoàn toàn không có gì quyến rũ : nó là con đường của sự hy sinh và của tình liên đới xóa bỏ sự khác biệt chính kiến, văn hóa, tôn giáo và màu da. Hơn nữa, nó còn là giấc mơ của “kẻ phản loạn” chống lại những lợi ích và ý chí thống trị của những kẻ mạnh. Chính vì thế “giấc mơ” là con đường ghồ ghề, cam go và nguy hiểm tính mạng cho bất cứ ai dấn thân trên con đường này. Những gì đang xảy ra đây đó, hôm qua và hôm nay, cho ta thấy rõ điều đó mà không cần lời giải thích. Khi “giấc mơ” đi ngược lại những mơ ước của các nhóm đặc quyền đặc lợi nó trở thành “kẻ phản động”.
Đã 49 năm tròn trôi qua, nhưng giấc mơ của Martin Luther King cũng là giấc mơ của chúng ta hôm nay. Ai không có trong mình một “giấc mơ” là không ý thức về cuộc sống của chính mình và của những người khác.
Trần Văn Khuê, aa



Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Thông điệp chung của các nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga và Công giáo Ba Lan

WHĐ (21.08.2012) / CNS – Ngày 17 tháng Tám vừa qua, vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ba Lan đã ký một Thông điệp chung thúc giục người Ba Lan và người Nga bỏ qua những thù hận và thành kiến từ nhiều thế kỷ nay và cùng nhau gìn giữ căn tính Kitô giáo của đất nước mình.
Việc ký kết Thông điệp hòa giải mang tên “Thông điệp gửi nước Ba Lan và nước Nga” là thời điểm quan trọng của chuyến viếng thăm của một thượng phụ Chính thống Nga đến nước Ba lan hiện đại lần đầu tiên.
Thông điệp –mang chữ ký của Đức Thượng phụ Kirill của Matxcơva và Đức Tổng giám mục Jozef Michalik Przemysl, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan– viết: “Chúng tôi bước vào một con đường đối thoại trung thực với hy vọng rằng nó sẽ chữa lành những vết thương của quá khứ, tạo điều kiện thuận lợi để vượt qua những định kiến ​​và hiểu lầm lẫn nhau và giúp chúng tôi vững bước theo đuổi công cuộc hòa giải”.
Buổi lễ ký kết đã được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình Ba Lan.
Các viên chức Chính thống Nga và Công giáo Ba Lan đã chuẩn bị bản văn này trong hơn hai năm trong một nỗ lực vượt qua mối hận thù lịch sử giữa hai quốc gia và những căng thẳng kéo dài giữa các tín hữu của Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo Ba Lan.
Một lịch sử tranh chấp lãnh thổ lâu dài đã trở nên phức tạp hơn trong Thế chiến II khi Ba Lan bị cả Đức và Nga xâm lược. Sau chiến tranh, Ba Lan bị đặt dưới ảnh hưởng của Liên Xô. Dưới chế độ cộng sản, các Giáo hội Công giáo và Chính thống giáo phải chịu áp lực của chính phủ, với thiểu số người Chính thống ở Ba Lan và thiểu số người Công giáo ở Nga bị đối xử rất khắc nghiệt.
Thông điệp hoà giải nói: “Tội lỗi, vốn là nguồn gốc chính của mọi chia rẽ và sự yếu đuối của con người, của tính ích kỷ cá nhân và tập thể, cũng như của áp lực chính trị, đã dẫn đến sự tha hóa lẫn nhau, sự thù địch công khai và cả tranh chấp giữa hai quốc gia chúng ta”.
“Những trường hợp tương tự đã sớm làm mất đi sự hiệp nhất Kitô giáo ban đầu. Sự chia rẽ và ly giáo, vốn xa lạ với ý Chúa Kitô muốn, là một gương xấu lớn; vì thế chúng ta phải nỗ lực gấp đôi để Giáo hội và quốc gia của chúng ta đến gần nhau hơn và để trở nên những nhân chứng khả tín hơn đối với Tin Mừng trong thế giới hiện nay”.
Đức Thượng phụ Kirill và Đức Tổng giám mục Michalik cho biết, với sự tự do tôn giáo và chính trị có được khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ hồi đầu những năm 1990, các Giáo hội tiến bước trên con đường đổi mới, nhưng vẫn phải đối mặt với những ảnh hưởng của nhiều thập kỷ của chủ nghĩa vô thần chính thức và chủ nghĩa thế tục phát triển của xã hội hiện đại.
Hai nhà lãnh đạo cho biết, Thiên Chúa giáo “đã tác động sâu sắc” đến bản sắc, tâm linh và văn hóa của các dân tộc chúng ta và của cả châu Âu”, và gìn giữ đức tin Kitô giáo là điều cần thiết cho tương lai của các quốc gia.
Thông điệp viết: Các Giáo hội và các tín hữu phải “nỗ lực làm cho đời sống xã hội và văn hóa của các quốc gia của chúng ta không mất đi các giá trị đạo đức chính yếu, là nền tảng của một tương lai hòa bình vững chắc”.
Vị Thượng phụ và Tổng giám mục cũng quan tâm đặc biệt đến xu hướng đòi cho phá thai, an tử và quan hệ đồng tính, cũng như những vận động loại bỏ biểu tượng tôn giáo tại các nơi công cộng.
Thông điệp nêu rõ: Nhân danh tương lai quốc gia chúng ta, chúng ta kêu gọi tôn trọng và bảo vệ cuộc sống của mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Chúng ta tin rằng không chỉ chủ nghĩa khủng bố và xung đột vũ trang, mà cả phá thai và an tử cũng là trọng tội đối với sự sống và là điều ô nhục cho nền văn minh đương đại”.
Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng giám mục Michalik nói rằng các ngài thừa nhận quyền tự trị của Giáo Hội và nhà nước, đồng thời các ngài cũng khuyến khích hai bên hợp tác để bảo vệ gia đình, thúc đẩy giáo dục và trợ giúp người nghèo.
Gia đình, dựa trên mối quan hệ bền vững giữa một người nam và người nữ, “là một nền tảng lành mạnh của mọi xã hội. Là một định chế được Chúa thiết lập, gia đình bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ vì nó là cái nôi của sự sống, một nơi phát triển lành mạnh, một bảo đảm cho sự ổn định của xã hội, và là một dấu hiệu hy vọng cho xã hội”.
(CNS, 17-08-2012)
Nguồn: WHĐ

CON NGƯỜI VÀ KHẢ NĂNG ĐI TÌM CHÂN LÝ

Các suy tư thần học Công giáo cũng như triết học Ki-tô giáo đề cao những phẩm giá con người. Vốn dĩ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người mang nơi mình những phẩm chất cao đẹp và bất khả xâm phạm. Mặt khác, vì được sinh ra từ Thiên Chúa nên con người luôn bị lôi cuốn để tìm kiếm về với Ngài dù bị tội lỗi thống trị. Con người phát xuất từ Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thiện hảo và là Chân lý tuyệt đối, vì thế con người cũng luôn biết tìm kiếm những điều thiện hảo và chân lý trong cuộc sống như lời nguyện của Hội Thánh trong nghi thức phụng vụ : “Thiên Chúa đặt để trong trái tim con người khát vọng đi tìm chân lý”. Xác tín này bắt nguồn từ Kinh Thánh và truyền thống suy tư triết học và thần học như thánh Augustinô và Tôma Aquinô.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại của xã hội chúng ta hình như điều trên đây chỉ là thuần túy suy tư tri thức và sự hiểu biết được dừng lại nơi các nhà trí thức. Khoảng cách giữa những suy tư thần học và triết học về khả năng tìm kiếm chân lý và những giá trị cao siêu của con người đối với một đại bộ phận dân chúng là một khoảng cách xa vời vợi. Cách sống của nhiều người trong xã hội chúng ta nhiều khi phản ánh ngược lại với những xác tín của triết học và thần học.
Con người có khuynh hướng đam mê những dục vọng và tìm kiếm những gì thuộc về hạ giới nhiều hơn là đi tìm những giá trị siêu việt. Con người mấy thiết tha tìm kiếm những gì là chân thật, hơn nữa đó lại là những điều chân thật ngăn cản những khoái cảm ? Mặt khác, con người cũng dễ bị mê hoặc bởi các chủ thuyết không tưởng và dấn thân trong sự hoang tưởng. Trong chiều dài của lịch sử nhân loại chúng ta nhận thấy một số chủ thuyết đã đưa con người tới những lệch lạc trong đời sống ; nhiều người vẫn tin rằng mình đi theo chân lý trong những điều không tưởng.
Thực tế trên đây cho chúng ta hiểu rằng không nên quá tin vào con người như hữu thể có khẳ năng tự xác định các chân lý phổ quát và luôn biết tìm kiếm những chân giá trị. Con người có khả năng hoán cải và biến đổi, nhưng con người cần được soi chiếu và hướng dẫn bằng một năng lực ngoài nó để có khả năng chân nhận những gì là chân thật. Đó cũng là điều mà Ki-tô giáo trình bày rằng con người chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thiện hảo và là Chân lý tuyệt đối vì chính Ngài trước tiên đã mạc khải cho con người biết về Ngài.
Việc con người cần một năng lực ngoài nó để có khả năng chân nhận những gì là chân thật còn nói lên rằng con người là hữu thể thừa kế : thừa kế những giá trị truyền thống và cần được giáo dục một cách đúng đắn. Bởi lẽ, con người dễ bị lừa dối !
Trần Văn Khuê, aa


DÒNG ĐỜI

Những con đường chen chúc người người ngược xuôi. Mỗi người một vẻ cứ vội vàng bất chấp nắng mưa hay thời gian. Tôi và bạn khó mà đoán được những suy nghĩ trong tâm trí của người khác. Họ đang suy nghĩ gì theo những bước di chuyển ? Những ưu tư nào đang canh cánh bên lòng họ ? Họ đang vô tư với cuộc sống trong những giây phút hiện tại hay đang mang nơi mình những thao thức, những buồn phiền ?
Tôi đặt nhiều câu hỏi, nhưng không dám đưa ra bất cứ câu trả lời nào. Tôi biết rằng suy nghĩ của tôi bây giờ không phải suy nghĩ của người khác và những ưu tư của tôi lúc này cũng không chắc là những ưu tư của người khác. Tuy nhiên, qua phán đoán tôi cho rằng những suy nghĩ trong tâm trí con người chắc hẳn phải thật sự đa dạng. Có những ưu tư cho cuộc sống cá nhân ; có những ưu tư cho cuộc sống chung ; có những ưu tư cho cuộc sống gia đình ; và có những ưu tư cho thời cuộc …. Những ưu tư vui buồn lẫn lộn.
Triết học chắc là có lý khi cho rằng những câu hỏi của con người là muôn thủa, đặc biệt là những câu hỏi hiện sinh về ý nghĩa cuộc sống con người hôm nay và tương lai. Con người không bao giờ hết ưu tư và không ai lại không ưu tư dù ít hay nhiều. Con người đi trong dòng đời với những suy nghĩ miên man về cuộc sống. Dòng đời là sự pha hợp giữa ưu phiền và hy vọng, vui mừng và lo âu của con người. Con người được sinh ra hình như cho cả niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Tất cả là định mệnh cho con người.
Dòng đời có thể là bệ phóng cho những người tìm kiếm và đạt tới sự giải thoát, nhưng cũng có thể là cái mồ chôn sống con người. Định mệnh không tùy thuộc vào cái kiếp của một con người nhưng lòng can đảm. Nhưng, ai có đủ can đảm ? Lòng can đảm được xem là một nhân đức mà con người có thể tu luyện, nhưng đòi hỏi một cuộc chiến đấu bền bỉ. Dòng đời là nơi mà người ta thực sự cần có sự can đảm để đạt tới sự giải thoát.
Con người hướng tới sự giải thoát là con người sống chứ không phải tồn tại. Sự tồn tại thuộc về thế giới vật chất vô tri vô giác. Sống thuộc về sinh vật có lý trí và lương tri. Con người được sinh ra để sống chứ không phải để tồn tại. Đó chính là sự khác biệt làm nên tính chất đặc thù con người.
Trần Văn Khuê, aa