Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CHAY TỊNH TRONG KI-TÔ GIÁO

Người Kitô hữu hôm nay, đặc biệt là những người Tây phương, coi nhẹ việc ăn chay như hình thức giảm nhẹ ăn uống hay kiêng ăn thịt. Tuy nhiên, ăn chay chiếm một vị thế quan trọng trong các lễ nghi và việc thực hành đạo đức của các tôn giáo nhằm những mục tiêu : sự tu luyện khổ hạnh, việc thanh tẩy, khẩn cầu.

Chay tịnh trong truyền thống Do-thái giáo

Trong phụng vụ Do-thái giáo chúng ta thấy có ngày ăn chay lớn vào dịp Lễ Xá Tội. Đây là truyền thống chay tịnh mang tính cộng đoàn. Sách Lê-vi quy định :

Ngày mồng mười tháng bảy là ngày Xá tội, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên ĐỨC CHÚA.Chính ngày ấy, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào, vì đó là ngày Xá tội, ngày cử hành lễ xá tội cho các ngươi trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi. Như vậy bất cứ người nào không ăn chay hãm mình vào chính ngày đó, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ; và bất cứ người nào làm một việc gì vào chính ngày đó, Ta sẽ làm cho nó biến mất không còn dấu vết giữa dân nó. Các ngươi không được làm một công việc nào : đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở. Đối với các ngươi, đó sẽ là một ngày sa-bát, một ngày nghỉ, và các ngươi phải ăn chay hãm mình. Từ chiều ngày mồng chín đến chiều hôm sau, các ngươi phải nghỉ để giữ ngày sa-bát. (Lv 23, 27-32)

Có hai điểm được lưu ý trong đoạn sách Lê-vi này. Trước hết, ngày Lễ Xá Tội được xếp ngang hàng với ngày sa-bát, nghĩa là ngày nghỉ và là ngày được thánh hiến cho Đức Chúa. Tiếp đến, việc thực hành ăn chay này nói lên sự thuộc về dân Thiên Chúa : “Bất cứ người nào không ăn chay hãm mình vào chính ngày đó sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ” và “Ta sẽ làm cho nó biến mất không còn dấu vết giữa dân nó”.

Ngoài ra, người Do thái còn ăn chay do việc đạo đức cá nhân. Chúng ta bắt gặp thói quen ăn chay này trong các Tin Mừng. Một người Pha-ri-siêu đã cầu nguyện trong đền thờ như thế này : Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con (Lc 18, 12). Một câu chuyện khác cũng đã được tường thuật lại trong Tin Mừng. Môn đệ của Gio-an và Pha-ri-siêu thắc mắc : “Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ? " (Mc 2,18)

Đức Giê-su và việc chay tịnh

Không phủ nhận việc ăn chay, chính Chúa Giê-su cũng đã làm điều đó khi bắt đầu s vụ của mình (x. Lc 4, 1-13). Tuy nhiên, Chúa Giê-su mời gọi : sự công chính của những người môn đệ của Ngài phải vượt lên trên sự công chính của những người Pha-ri-siêu (Mt 5,20). Thật vậy, việc thực hành ăn chay có nguy cơ vụ hình thức mà chính ngôn sứ A-mốt đã khuyến cáo :

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu,
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.
Hỡi nhà Ít-ra-en, bốn mươi năm trường trong sa mạc,
các ngươi có dâng lên Ta hy lễ hay lễ phẩm nào không
? (Am 5,21-25)

Thông điệp mà ngôn sứ A-mốt muốn chuyển đến với dân trong những công việc đạo đức là lẽ phải như nước tuôn trào và công lý như dòng suối không bao giờ cạn nơi đời sống con người. Đó là cách thực hành chay tịnh tốt nhất trước mặt Thiên Chúa.

Cũng vậy, việc chay tịnh của Đức Giê-su, một cách nền tảng, được gắn liền với sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa. Thánh Lu-ca đã đặt câu chuyện về việc chay tịnh của Đức Giê-su trong sa mạc ngay trước thời điểm Đức Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng. “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.” Và “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê”, rồi Người đến Na-da-rét. Nơi đây Đức Giê-su đã tuyên bố : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (x. Lc 4, 1-22).

Ý nghĩa của việc chay tịnh : sống khiêm hạ và hy vọng
                                 
Sự khiêm hạ theo nghĩa Kinh Thánh trước tiên là sự khiêm tốn, đối lại tính kiêu căng. Nó là thái độ của con người mang tội trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, chay tịnh không phải là kỳ công của việc tu luyện khổ hạnh, nhưng trước hết diễn tả sự nhận biết ân huệ của Thiên Chúa : nhận ra của ăn là quà tặng của Thiên Chúa và Thiên Chúa chính là lẽ sống. Bốn mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã luôn đồng hành với dân Do thái trong mọi khổ cực. Trong sự khổ cực này, dân tộc Do-thái được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, việc thực hành chay tịnh không nhằm lấy sự đau khổ để mua cuộc sống vĩnh hằng như nhiều người đã thường nghĩ, nhưng nhằm gặp gỡ Thiên Chúa một cách khiêm tốn.

Dân Ít-ra-en học sự khiêm hạ trước tiên trong kinh nghiệm về Thiên Chúa quyền năng cứu dân Ngài. Họ đã giữ kinh nghiệm này qua việc tưởng nhớ những hành động của Thiên Chúa trong các nghi lễ phụng tự. Trong ý nghĩa này phụng tự là trường học của sự khiêm hạ.

Dân Ít-ra-en cũng kinh nghiệm về sự nghèo khó của mình trong sự thử thách: thất bại, lưu đày, hay trong những thử thách cá nhân : bệnh tật, sự yếu đuối, kém cỏi. Từ đây con người có thái độ : nhận biết sự nhỏ bé của chính mình và quy hướng về Thiên Chúa với tấm lòng thống hố.

Hơn thế nữa, đối với các Ki-tô hữu, sự khiêm hạ được đặt nền tảng từ sự khiêm hạ của chính Đức Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập thểcái chết của Ngài. Như vậy, sống khiêm hạ là sống sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa. Sự khiêm hạ này gắn liền với tình bác ái, yêu thương. Thánh Au-gus-ti-nô viết : “Ở đâu có sự khiêm hạ ở đó có tình bác ái”. Những ai mặc lấy sự khiêm hạ trong mối tương quan với người khác đi tìm kiếm lợi ích của người khác và lấy chổ sau cùng. Về vấn đề này thánh Phao-lô đã khuyên dạy các tín hữu thuộc cộng đoàn Cô-rin-tô : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 4-7)

Về  mối tương quan giữa chay tịnh và sống hy vọng. Trong thần học tu đức, khi nói tới hy vọng trong việc thực hành chay tịnh, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu ngay đến thái độ : sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là nguồn sống, bởi lẽ như Tin Mừng nói : “Con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà còn bởi những lời của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần nhấn mạnh : bốn mươi ngày đêm chay tịnh không phải là thời gian mà chúng ta sát phạt thân xác, nhưng là những ngày mà chúng ta chuẩn bị mừng lễ Vượt qua, sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Sự Phục sinh của Ngài là nền tảng, là trung tâm của niềm tin Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô khẳng định nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại thì niềm tin và những gì tôi rao giảng thật hảo huyền (x. 1Cr 15,1-4). 

Sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô nói cho chúng ta điều gì ? Thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma, chương 5, cho chúng ta biết : đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta ; qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa ; và cuối cùng, qua cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết và đem lại sự sống cho con người.

Lời kết

Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ? "Đức Giê-su trả lời : "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. (Mc 2, 18-20)

Ăn chay đương nhiên còn có một vị thế trong đời sống của Giáo Hội. Với Đức Giê-su Ki-tô, Giáo Hội là hiện thân của Nước Trời đang ở giữa thế giới này, nhưng nó cũng chưa thật sự hoàn hảo. Chúng ta còn phải chờ đời ngày trở lại trong vinh của Đức Giê-su Ki-tô. Trong khi chờ đợi, việc thực hành chay tịnh vẫn còn. Khi tân lang đến thì những người bạn của tân lang không cần phải ăn chay. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên việc ăn chay phải nói lên hai chiều kích : gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

Trần Văn Khuê, aa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét