Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

THIÊN CHÚA CHINH PHỤC SỰ TỰ DO CON NGƯỜI

Nói về Thiên Chúa chúng ta nói tới các thuộc tính vượt xa so với những phẩm chất con người cũng như hành động của Ngài không luôn luôn nằm trong tính lô-gíc của lý trí. Một trong những điều làm chúng ta ngạc nhiên là Thiên Chúa tạo dựng con người và trao ban cho con người sự tự do : “Thiên Chúa muốn cho con người được tự do”. Tuy nhiên, sau khi ban tặng cho con người sự tự do, để có được con người Thiên Chúa phải quay trở lại chinh phục sự tự do con người. Phải chăng đây là tính chất riêng biệt của Thiên Chúa ? Quả thực, chúng ta thấy một cách rõ nét điều này trong toàn bộ lịch sử mạc khải của Ngài trong Kinh Thánh và trong đời sống của nhiều người theo dòng lịch sử.
Khi đọc Kinh Thánh chúng ta tìm thấy những lời của Thiên Chúa dành cho con người là những lời mời gọi theo thể điều kiện cách : “nếu”. Đó là những lời đề nghị mà Thiên Chúa gợi ý cho con người trong việc kêu gọi con người đảm trách một sứ vụ hay đi vào trong mối tương quan với Ngài. Từ Mô-sê – người được sai tới Ai-cập để giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ (Xh 3), cho tới Đức Ma-ri-a – người được đề nghị làm mẹ Đấng Cứu Thế (Lc 1,26-38), Thiên Chúa đã không áp đặt bất cứ ý định bất di bất dịch nào lên con người. Chương trình của Ngài chỉ được thực hiện sau lời chấp thuận của con người.
Ngoài ra, ngay cả với những giới luật được ban bố cho con người Thiên Chúa luôn kèm thêm lời hứa. Chúng ta tìm thấy lời hứa này ngay trước khi Thiên Chúa ban Thập giới cho dân Ít-ra-en : “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,5-6). Thiên Chúa của sự tự do chỉ có thể đề nghị con người đáp trả lại luật giao ước cách tự do và từ đó Ngài có thể làm cho họ trở thành “một dân thánh”.
Cũng vậy, trong Tân Ước Chúa Giê-su làm theo một thể thức của Thiên Chúa mạc khải trong Cựu Ước. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Tin Mừng về người thanh niên giàu có. Một hôm có người thanh niên tới hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” Chúa Giê-su đã trả lời anh ta : “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” và Người đã liệt kê các điều răn như sau : “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Tuy nhiên, người thanh niên này nói : “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ” và hỏi Chúa Giê-su : “Tôi còn thiếu điều gì nữa không ?” Chúa Giê-su đề nghị anh ta : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Sau đó, Tin Mừng thêm lời chú thích : “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (x. Mt 19, 16-22).
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và người thanh niên giàu có trên đây là câu chuyện điển hình nói về con đường mà Thiên Chúa đề nghị với con người tới “cõi sống” và đời sống “hoàn thiện” được mở ra với sự dấn thân tự do của con người. Và trong câu chuyện này Chúa Giê-su, một cách nào đó, đã thất bại trước sự tự do chọn lựa của con người.
Đi ra khỏi những câu chuyện Kinh Thánh chúng ta còn bắt gặp vô số câu chuyện khác nói về cuộc chinh phục sự tự do con người của Thiên Chúa. Câu chuyện về cuộc đời thánh Augustinô là một trong những câu chuyện đặc sắc. Đây là câu chuyện giữa Thiên Chúa và thánh nhân. Để chinh phục Augustinô Thiên Chúa đã không “quật ngã” con người này trên những nẻo đường cuộc sống đam mê. Nhưng, như lời tự bạch của thánh nhân trong cuốn Tự Thuật : Thiên Chúa vẫn luôn âm thầm ở đó trong cuộc đời, nhưng Augustinô đã không sớm nhận ra Ngài. Thiên Chúa đã chinh phục sự tự do của Augustinô bằng cách tiến bước cách âm thầm trong cuộc đời thánh nhân và không ngần ngại cư ngụ trong trái tim ngang trái của Augustinô. Câu chuyện này cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã không ngăn cản sự tự do con người, nhưng chinh phục nó. Cuối cùng, Augustinô cũng đã tìm thấy Ánh sáng chân lý là Thiên Chúa bằng con đường tìm kiếm tự do.
Trần Văn Khuê, aa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét