Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN NƠI CON NGƯỜI NGÀY HÔM NAY

Nói tới khủng niềm tin người ta liên tưởng ngay tới khủng hoảng niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở các nước Tây phương, nơi mà chỉ số người thực hành tôn giáo ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, khủng hoảng mà chúng ta sẽ đề cập ở đây không mang tính tôn giáo, nhưng là niềm tin con người với nhau: người ta không còn có thể đặt niềm tin vào ai, hay không tìm thấy ai để đặt niềm tin tưởng, cũng như không còn tin nơi bất cứ điều gì.

Có nhiều nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng này trong những lãnh vực đời sống khác nhau như xã hội, chính trị và giáo dục.

Trước hết, trong lãnh vực xã hội. Chúng ta chứng kiến những mối tương quan giữa những con nguời với nhau ngày càng ít còn được đặt trên nền tảng của sự tin cậy và chân tình. Điều này làm nhiều người lo ngại về khả năng sống liên đới, tinh thần tương thân tương ái, cũng như khả năng hợp tác của những con người trong nhiều lãnh vực khác nhau – những yếu tố thiết yếu nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại lý tưởng. Nguyên nhân về sự bấp bênh của những mối tương quan này là vì có quá nhiều dối trá trong đời sống và trong những mối quan hệ xã hội khác nhau.

Tiếp đến, trong lãnh vực chính trị. Những diễn từ chính trị ngày càng ít được tin cậy. Những tuyên truyền không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp, mà còn gây phản cảm nơi nhiều người: những luận điệu chính trị được lặp đi lặp lại trái với thực tiễn. Quả thực, một nền chính trị tốt phải có khả năng, trước hết, thăng tiến con người: những giá trị nhân phẩm phải được tôn trọng một cách tuyệt đối; tiếp đến, phát triển đời sống xã hội: đảm bảo cho hết mọi người có thể sống chung với nhau trong công lýhòa bình, bác áichân lý.

Cuối cùng, sự đánh mất niềm tin trong lãnh vực giáo dục. Giáo dục là nền tảng cho tất cả mọi phát triển xã hội và đời sống của từng cá nhân. Tuy nhiên, những gian lận hay thiếu trung thực trong giáo dục đã đánh mất niềm tin nơi nhiều người. Mặt khác, những hệ thống giáo dục nhiều lúc không mang tính thực tiễn cũng đặt nghi vấn về tính chất phù hợp của giáo dục đối với sự phát triển. Ngoài ra, người ta cũng không thể đặt niềm tin tưởng nơi một nền giáo dục thiếu tính nhân văn và giúp phát triển con người toàn diện.

Khủng hoảng này báo hiệu tình trạng sức khỏe yếu kém của đời sống xã hội. Chúng ta kinh nghiệm về hậu quả của việc mất niềm tin ảnh hưởng trên đời sống con người như thế nào. Một trong những hậu quả này là làm cho con người sống trong sự “nghi ngờ” triền miên. Khi đánh mất niềm tin, người ta nghi ngờ mọi người và mọi cái, ngay cả những điều tốt nhất. Những người thân cận cũng có thể bị xem là những “lực lượng thù địch”, là “đối phương”. Những công việc tốt như công việc bác ái từ thiện cũng có thể được xem là những toan tính cá nhân hay chính trị. Quả thực, nếu như cuộc sống mà xung quanh mình chỉ còn là những “thù địch” thì cuộc sống này là một địa ngục trần gian.

Một điều nền tảng trong kinh nghiệm sống theo chiều dài lịch sử là con người luôn tìm cách  xây dựng niềm tin. Đây chính là yếu tố cho phép những con người làm thành một cộng đồng nhân loại sống chung với nhau trong hòa bình, tình huynh đệ và tình nhân loại. Để xây dựng niềm tin con người cần có những thái độ đúng đắn và hành động hợp với sự thật. Những diễn thuyết trống rỗng sẽ gây tác động tiêu cực. Người ta chưa bao giờ đo lường những giá trị từ những lý thuyết, đặc biệt là những lý thuyết theo chủ nghĩa không tưởng, nhưng từ những hiện thực khách quan.

Trần Văn Khuê

1 nhận xét:

  1. Nguyên nhân về sự bấp bênh của những mối tương quan này là vì có quá nhiều dối trá trong đời sống và trong những mối quan hệ xã hội khác nhau...
    Có lẽ điểm này cần phải thêm là "đặc biệt trong xã hội cộng sản VN". Nhìn thế hệ trẻ đang ngày càng mất phương hướng cho định hướng tương lai mà thấy nhói lòng. Không học đến nơi đến chốn thì bảo"thiếu bằng cấp"; Học cho "xừ" người ra, thì bằng cấp được gán cho "đồ dởm". Cái này thì vừa đúng vừa sai, nhưng người gánh chịu hậu quả lại sinh viên nghèo vì không có tiền "luồn lách". Bởi điều kiện cần và đủ phải là "tiền-bằng", năng lực không tính...
    Không mất tin sao được vì xã hội không có thước đo chuẩn mực. Cái thước đo của nó thay đổi tùy thuộc vào "cái túi" và sự "hên-xui rất thời tiết".

    Trả lờiXóa